Giá sầu riêng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân |
Khởi đầu hành trình
Cứ vài tháng, Việt Nam lại xuất khẩu chính ngạch một mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc. Không chỉ có sầu riêng, chanh leo, chuối, khoai lang, trong năm 2022, quả chanh và bưởi của Việt Nam cũng chinh phục được thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được hai quốc gia ký kết. Cách đây chừng 2 tháng, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã công bố trên website của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào Nhật Bản.
Đây là kỳ tích của ngành nông nghiệp trong năm qua. Ý nghĩa từ việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản không đơn thuần là xin “visa” để nông dân Việt Nam bán quả chuối, quả sầu riêng ra thế giới. Đó còn là “sự khởi đầu hành trình chuyên nghiệp, minh bạch” của nền nông nghiệp để thoát khỏi “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và mù mờ về thông tin.
Việt Nam được mệnh danh là một trong những “thiên đường” của hoa quả nhiệt đới, với những loại trái cây có giá trị như thanh long, sầu riêng, chuối, vải thiều… Nông sản Việt đã có mặt ở hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhưng, nhiều loại nông sản của bà con vẫn được đưa sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, qua đường mòn, lối mở. Hoa quả của Việt Nam phải “đội lốt”, hay nói đúng hơn là mượn danh thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài để được đặt trên kệ hàng siêu thị tại châu Âu, châu Mỹ.
– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Hàng hóa “3 không” (không nguồn gốc xuất xứ; không chứng nhận chất lượng; không quy cách đóng gói) “rồng rắn” kéo lên các cửa khẩu biên giới để ngã giá, bán mua.
Một doanh nhân khi nhìn thấy cảnh tượng hàng ngàn xe container nối đuôi ùn ứ trước cửa khẩu Tân Thanh đã phải thốt lên rằng: “Sai lầm lớn nhất là ai cũng trở thành thương nhân được”.
Khi có vài chục tấn nông sản, bất kể ai, từ lão nông tri điền đến bà hàng sáo đều có thể thuê xe chở lên biên giới để “đánh quả”. Đa phần trong số họ trông chờ vào sự may – rủi. Họ tin rằng, thị trường 1,4 tỷ dân là vô biên, có cung ắt có cầu.
Nhưng, thương mại luôn có quy tắc, thị trường luôn có quy luật, và thực tế, chúng ta phải trả giá cho sự dễ dãi đó. Thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” như trước kia, họ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao.
Minh chứng là, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành liên tiếp 2 lệnh, gồm Lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc phải tuân thủ những quy định mới này.
Đây vừa là chiếc “vòng kim cô” siết chặt các loại thực phẩm mù mờ thông tin nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, vừa là cơ hội cho những người sản xuất tử tế, những doanh nghiệp chân chính. Bởi, đối với từng loại nông sản, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải ký kết nghị định thư về kiểm dịch động, thực vật đối với nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng là một trong những loại trái cây xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam Ảnh: Khương Hồng Thủy |
Thương hiệu trái cây cần được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “Các nghị định thư sẽ đảm bảo cho việc xuất khẩu các nông sản có thế mạnh của Việt Nam được danh chính ngôn thuận, ổn định bền vững cả về đầu ra và giá cả. Đây cũng là dịp để chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.
Một lợi ích nữa từ việc ký kết nghị định thư, đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sẽ được giảm tỷ lệ kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu, nếu chấp hành tốt quy định của thị trường Trung Quốc và giữ chữ tín. Đó cũng là chất xúc tác để tổ chức lại sản xuất và làm ăn quy củ. Khi chúng ta chinh phục được thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa với việc sản phẩm của chúng ta có thể chinh phục được rất nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ mở ra khi chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt quy định của quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh thêm, việc ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch; đồng thời, tạo động lực để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tổ chức chuyên nghiệp, bài bản.
Theo yêu cầu của các đối tác cũng như thông lệ quốc tế, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải 10 ha trở lên. Các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua đều có diện tích trên 10 ha, có mã số lên đến hàng trăm héc-ta, tạo điều kiện cho người dân chung tay hợp tác với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả tăng lên.
“Điển hình, giá sầu riêng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân”, ông Hoàng Trung nói.
Những quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đóng gói sản phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng là keo dính gắn chặt lợi ích của nông dân, các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp lại với nhau để “chuẩn hoá”, “sản xuất theo chuỗi” và minh bạch hóa thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, “buôn có bạn, bán có phường” là triết lý đem đến sự giàu có, thành công của nhiều nước trên thế giới. Hợp tác, liên kết còn mang tính văn hóa, văn minh trong xã hội. Thiếu tinh thần hợp tác, liên kết dễ dẫn đến cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.
Kinh doanh không chỉ là chuyện bán – mua sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất, cũng đồng thời là người bán, trước hết, phải nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra, thì người mua, người tiêu dùng cũng sẽ trân quý và sẵn lòng chi trả mức giá tương xứng.
Và, với một năm đại thắng xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp đang mở đường lớn để đi xa hơn, nhanh hơn, bảo đảm an toàn và ổn định hơn trên hành trình chinh phục thị trường 7 tỷ người trên thế giới.
“Ngày mai luôn bắt đầu từ ngày hôm nay”. Trong những ngày chuẩn bị bước sang năm 2023, tin vui là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD (tăng hơn 9% so với kỷ lục ngành nông nghiệp xác lập năm 2021); thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Có thể nói, đây là kết quả ngọt ngào cho nỗ lực chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan thường xuyên đề cập kể từ khi nhậm chức “Tư lệnh” ngành.