Máy tính, linh kiện điện tử làm nên chuyện
Năm qua, ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục có đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 55,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Trong tháng cuối năm 2022, khi các ngành hàng chủ lực khác, từ điện thoại, máy móc, hàng dệt may, da giày sụt giảm mạnh do đơn hàng giảm, thì xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn duy trì phong độ tăng trưởng, đạt 4,79 tỷ USD, tăng 17,6% so với tháng trước đó.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều tăng nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Việt Nam (ngoại trừ Hàn Quốc và Hồng Kông giảm nhẹ, lần lượt là 3,1% và 6,7%).
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 15,94 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước đó; sang Trung Quốc đạt 11,88 tỷ USD, tăng 7,3%; sang EU đạt 6,87 tỷ USD, tăng 4,7%…
“Phong độ” xuất khẩu có tăng trưởng của ngành hàng này được duy trì ngay cả trong giai đoạn đại dịch căng thẳng nhất, dù chịu nhiều ảnh hưởng của việc gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử đạt 44,58 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2019, chiếm gần 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Sang năm 2021, xuất khẩu đạt 50,8 tỷ USD, tăng 14,0% so với năm 2020, chiếm trên 15,1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Máy tính, điện tử và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Vốn FDI chảy mạnh vào sản xuất, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu
Bất chấp những khó khăn không mong muốn từ bên ngoài (đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, chi phí sản xuất gia tăng, thiếu hụt nguyên liệu đều vào ở một số thời điểm), Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử.
Nhiều tên tuổi sản xuất lớn như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron… đã đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Kết quả thu hút FDI nổi trội trong lĩnh vực này tỷ lệ thuận với mức tăng xuất khẩu của ngành hàng trong những năm qua. Dự báo trong năm 2023 và nhiều năm tới, sản xuất và xuất khẩu vẫn có triển vọng khi việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.
Sau khi đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong hành trình 25 năm, với nhiều lĩnh vực sản xuất như máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô, cuối năm ngoái, Phó chủ tịch Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cho biết, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm một khoản tiền lớn, trị giá khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất lớn trong tương lai. Theo kế hoạch, LG sẽ đầu tư sản xuất máy ảnh cho điện thoại thông minh tại Việt Nam.
Một dự án 100 triệu USD của nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) sẽ đi vào vận hành trong thời gian tới, cung ứng trên 10 triệu sản phẩm điện tử/năm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Là ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu, nhiều năm duy trì thứ hạng thứ 2, nhưng nắm giữ hồn cốt của ngành sản xuất này là khối doanh nghiệp FDI, với tỷ trọng ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Nếu năm 2019, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu đạt 32,047 tỷ USD, chiếm 89,20% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng, tăng 13,94% so với năm 2018, thì sang năm 2020, con số này là 43,15 tỷ USD, tăng 34,7% và chiếm 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sang năm 2021, khối FDI đóng góp 49,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm trước đó và chiếm 97,8%.
Việc doanh nghiệp FDI bơm vốn mở rộng đầu tư vào sản xuất trong ngành điện tử tại Việt Nam đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng xuất khẩu khả quan hơn của ngành này trong những năm tới. Triển vọng đó là khá rõ khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã ở mức gần 200% GDP, với 15 FTA đang thực thi, tạo cơ hội để các ngành hàng xuất khẩu được ưu đãi thuế quan, tạo thuận lợi trong thương mại quốc tế với 60 thị trường.
Tuy nhiên, một vấn đề của ngành điện tử là nhập siêu còn lớn. Năm 2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 81,88 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó, nhập siêu tới 26,3 tỷ USD. Năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp trong ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế.
Khi chưa giải quyết được bài toán tự chủ nguyên liệu, thì trong một số thời điểm sẽ khó tránh khỏi suy giảm sản xuất, xuất khẩu. Minh chứng rõ nhất là từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 đến nay, khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid, nhập khẩu nguyên liệu bị gián đoạn, ngành điện tử bị thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, dẫn đến các đơn hàng bị chậm lại, không giao đúng tiến độ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng sản xuất của ngành và nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam phải giảm công suất.