CTCP VNG cho rằng, giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua.
Thêm nữa, hiện tại, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu VNZ tăng trần 116.500 đồng, lên 893.400 đồng/cổ phiếu và đây cũng là phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp, với dư mua lớn và không có người bán, khối lượng khớp lệnh chỉ 300 cổ phiếu.
Nếu tính từ giá chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu, ước tính sau 8 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu VNZ đã tăng hơn 272% trong vòng 8 phiên liên tiếp.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.036,67 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 435,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 114,75 tỷ đồng, tức giảm thêm 320,71 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 19% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 146,76 tỷ đồng lên 917,47 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 51,8%, tương ứng giảm 29,8 tỷ đồng về 27,78 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 511,7%, tương ứng tăng thêm 42,06 tỷ đồng lên 50,28 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 39,88 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,8 tỷ đồng, giảm 50,68 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý IV, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 111,75 tỷ đồng lên 1.147,82 tỷ đồng; hoạt động khác ghi nhận lỗ 154,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 7,51 tỷ đồng, tức giảm 161,61 tỷ đồng.
Trong quý IV/2022, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng Công ty vẫn ghi nhận lỗ, chủ yếu do lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết và lợi nhuận khác đều ghi nhận lỗ. Ngoài ra, hụt doanh thu tài chính, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Lỗ 858,35 tỷ đồng trong năm 2022
Luỹ kế trong năm 2022, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,57 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 858,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 414,06 tỷ đồng, tức giảm 1.272,41 tỷ đồng.
Với việc ghi nhận lỗ thêm 858,35 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối chỉ còn ghi nhận 5.311,7 tỷ đồng so với đầu năm ghi nhận 6.648,3 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của CTCP VNG giảm 1,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 145,5 tỷ đồng, về còn 9.092,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.079,8 tỷ đồng, chiếm 33,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.484,7 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.197,9 tỷ đồng, chiếm 13,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.159,9 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.038,7 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng tài sản.
Trong năm, biến động giảm tài sản chủ yếu do tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 39% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.967,3 tỷ đồng về 3.079,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 35,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 648,7 tỷ đồng về 1.159,9 tỷ đồng.
Công ty thuyết minh phải thu ngắn hạn giảm chủ yếu do không ghi nhận đặt cọc mua lại cổ phiếu đã phát hành so với đầu năm là 335,4 tỷ đồng; không ghi nhận so với đầu năm ghi nhận đặt cọc mua cổ phần của công ty khác là 509,96 tỷ đồng.
Ngược lại, tài sản tăng chủ yếu tài sản dở dang dài hạn tăng 390,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 826,9 tỷ đồng lên 1.038,7 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 272,3%, tương ứng tăng 1.085,9 tỷ đồng lên 1.484,7 tỷ đồng.
Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh, nguyên nhân do Công ty tăng đầu tư vào dự án VNG Data Center thêm 909,5 tỷ đồng lên 993,2 tỷ đồng.
Thêm nữa, đầu tư tài chính dài hạn tăng chủ yếu do trong năm 2022, Công ty đầu tư thêm vào hai công ty là Telio và Funding Asia lần lượt 457,2 tỷ đồng và 468,5 tỷ đồng.