Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam |
Quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ
Chúng tôi vui mừng nhận thấy, các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa Singapore và Việt Nam đã được nối lại vào năm 2022. Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore vào tháng 2/2022, và Tổng thống Singapore Halimah Yacob thăm Việt Nam vào tháng 10/2022.
Thông qua các bản ghi nhớ cấp chính phủ được ký kết tại hai chuyến thăm cấp nhà nước đó, Singapore và Việt Nam đã tăng cường hợp tác nhiều mặt và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, như kinh tế số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, năng lượng và tín chỉ carbon. Các bản ghi nhớ này đã giúp Singapore và Việt Nam nắm bắt những cơ hội mới trong nền kinh tế xanh và kỹ thuật số khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Singapore và Việt Nam có mối quan hệ thương mại – đầu tư song phương mạnh mẽ và bền vững.
Cụ thể, thương mại giữa hai nước tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua, đạt 26,9 tỷ SGD (khoảng 20 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 18,7% so với năm 2020.
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 6/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD (khoảng 3.600 dự án). Với kết quả này, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam.
Minh chứng thêm cho mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa hai nước là các dự án chung về thương mại và đầu tư. Năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và Tập đoàn Becamex của Việt Nam thành lập Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương. Đến nay, đã có 12 VSIP trên khắp Việt Nam, thu hút vốn đầu tư trị giá 17 tỷ USD và tạo ra hơn 300.000 việc làm.
Vào tháng 8/2022, Tập đoàn NCS của Singapore và công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam là FPT Software đã công bố khai trương Trung tâm Phân phối Chiến lược (SDC) tại Hà Nội, dự kiến tuyển dụng hơn 3.000 nhân viên vào năm 2025.
Ở cấp độ khu vực, Singapore và Việt Nam cũng là đối tác có cùng chí hướng trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thông qua Hiệp định Khung về kết nối (CFA) được ký năm 2005, Singapore và Việt Nam gặp nhau hằng năm trong các Hội nghị cấp Bộ trưởng về Kết nối (CMM) để thảo luận về những hợp tác mới và đang diễn ra trong các lĩnh vực, như giáo dục – đào tạo; tài chính; công nghệ thông tin – viễn thông; đầu tư; thương mại – dịch vụ; giao thông – vận tải.
Tại CMM Singapore – Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức tại Singapore (tháng 12/2022), Singapore và Việt Nam đã mở rộng các cuộc thảo luận, bao gồm các nội dung về đổi mới sáng tạo, năng lượng và phát triển bền vững. Đáng chú ý, bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm Công tác Đổi mới Sáng tạo (IWG) giữa Singapore và Việt Nam đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) ký kết nhằm kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp của cả hai nước.
Nhìn về phía trước
Những bản ghi nhớ được ký kết vào năm 2022 đã nêu bật việc cả hai nước đang thực hiện những biện pháp quan trọng trong các lĩnh vực mới và hướng tới tương lai để nâng tầm hợp tác song phương Singapore – Việt Nam. Chúng tôi mong muốn rằng, đến năm 2023 và xa hơn nữa, Singapore và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác kinh tế trong 5 lĩnh vực chính:
Thứ nhất, là kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Singapore và Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Tính đến tháng 12/2021, Việt Nam có hơn 3.800 công ty khởi nghiệp và 4 “kỳ lân”. Năm 2021, đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Sự hợp tác của hai nước chúng ta trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã có được động lực phát triển, thông qua BLOCK71 Sài Gòn. Đây là sự hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam.
BLOCK71 Sài Gòn hiện là nơi có số lượng ngày càng tăng của các công ty khởi nghiệp, vườn ươm, và Accelerators (Accelerators được hiểu như một hoạt động tiếp nhận những ý tưởng sơ khai, sau đó sàng lọc kỹ, lựa chọn ra những ý tưởng, dự án tiềm năng, hay còn gọi là các hạt giống); và Liên minh Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GIA), nơi Enterprise Singapore đã hợp tác với Quest Ventures để tạo điều kiện trao đổi hai chiều giữa các công ty khởi nghiệp của hai quốc gia.
Với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, Singapore và Việt Nam có cơ hội khai thác hệ sinh thái đổi mới của nhau để tìm đối tác, tài trợ và nhân tài.
Thứ hai, là cơ sở hạ tầng. Xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam, lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 4% trong giai đoạn 2020 – 2025.
Theo tính toán, cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư lên tới 25 tỷ USD mỗi năm để phát triển cảng, đường cao tốc, khu đô thị và năng lượng xanh. Các công ty có trụ sở tại Singapore có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để cung cấp tài chính, công nghệ, và chuyên môn vận hành cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng xanh, thành phố thông minh, quản lý chất thải và cơ sở hạ tầng xử lý nước thải.
Thứ ba, là năng lượng. Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện khu vực sẽ không chỉ hỗ trợ các nỗ lực khử carbon của chúng ta, mà còn tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng lớn hơn, nhằm giúp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu năng lượng bền vững của khu vực.
Giống như Dự án Tích hợp Điện lực giữa Lào – Thái Lan – Malaysia – Singapore (LTMS-PIP), đóng vai trò là dự án mở đường quan trọng nhằm thúc đẩy kết nối năng lượng khu vực, sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore có thể đóng góp vào tầm nhìn về Lưới điện ASEAN. Bản ghi nhớ về Hợp tác Năng lượng được ký kết giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Bộ Công thương Việt Nam vào tháng 10/2022 đã mở đường cho cả hai bên tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh điện xuyên biên giới, khí tự nhiên hóa lỏng và thị trường điện, giải pháp carbon thấp và quản lý theo nhu cầu, bao gồm cả hiệu quả năng lượng.
Thứ tư, là phát triển bền vững. Chúng ta cần khẩn trương đẩy nhanh hành động để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Singapore cam kết thực hiện phần việc của mình. Vào năm 2021, chúng tôi đã triển khai Kế hoạch Xanh Singapore 2030 – một nỗ lực toàn quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững và giúp đạt được kế hoạch phát thải ròng bằng 0 trong dài hạn ngay khi khả thi.
Để thúc đẩy hành động toàn cầu và tham vọng đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, các quốc gia phải đóng vai trò của mình và làm việc cùng nhau. Thị trường carbon có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia loại bỏ carbon, đặc biệt là trong các lĩnh vực khó giảm loại khí thải này.
Tháng 10/2022, Singapore và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác về thị trường carbon, phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Điều này giúp ích rất lớn cho Singapore và Việt Nam trong việc nắm bắt các cơ hội do thị trường carbon tạo ra. Chúng tôi mong muốn được cùng thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon ngay trong năm 2023. Các dự án của chúng tôi có thể giúp thúc đẩy thị trường carbon sôi động hơn trong khu vực.
Thứ năm, Singapore và Việt Nam phải tiếp tục tăng cường kết nối nhiều mặt về thương mại và đầu tư, tài chính, giao thông – vận tải và du lịch. Khi chúng ta tìm ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực mới nổi như đổi mới sáng tạo, năng lượng và phát triển bền vững, chúng ta phải tiếp tục những tiến bộ tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được trong những lĩnh vực truyền thống này, tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước.
Khi chúng ta kỷ niệm năm 2023 đặc biệt này, tôi vô cùng tin tưởng rằng, Singapore và Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển tích cực được thiết lập vào năm 2022. Năm 2023 sẽ chứng kiến các chuyến thăm, trao đổi giữa hai Thủ tướng của Singapore và Việt Nam. Chúng tôi mong muốn trao đổi thành công các chuyến thăm, tổ chức kỷ niệm các sự kiện quan trọng và thúc đẩy quan hệ song phương mạnh mẽ hơn với Việt Nam trong những năm tới.