Ảnh minh họa |
Trao đổi tại cuộc gặp nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan ở Phnom Penh (Campuchia) hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng khuôn khổ “Quan hệ đối tác kinh tế số – kinh tế xanh” giữa hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, Bộ Công thương Singapore và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang bàn bạc và dự kiến trong chuyến thăm chính thức tới Singapore từ ngày 8 đến 10/2 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân, hai nước có thể ký kết thỏa thuận về đối tác số và đối tác xanh. “Đây là những văn kiện nền tảng hết sức quan trọng để cụ thể hóa những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao vào năm ngoái”, Đại sứ Mai Phước Dũng khẳng định.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam càng có ý nghĩa hơn, khi đây là sự kiện đầu tiên trong một loạt sự kiện sẽ diễn ra tại hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Theo Đại sứ Mai Phước Dũng, trong 50 năm qua và đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, khi Việt Nam và Singapore ký quan hệ đối tác chiến lược, hai nước đã hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đến giao lưu nhân dân… Tất cả các lĩnh vực đều phát triển rất đồng đều và mạnh mẽ.
Ngay khi cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, từ tháng 3/2022, Việt Nam và Singapore đã sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau, nối lại đường bay thương mại.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 10,1%, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,2 tỷ USD, tăng 7,7%; nhập khẩu 4,8 tỷ USD, tăng 12,3%.
Đặc biệt, Singapore duy trì vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam và đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.095 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 70,8 tỷ USD năm 2022, chiếm 22,9% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Theo lĩnh vực, Singapore đã đầu tư vào 18/21 ngành, trong đó tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Theo địa bàn, Singapore có dự án đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là TP.HCM (1.635 dự án), Hà Nội đứng hai (493 dự án), thứ ba là Bắc Ninh (93 dự án), tiếp theo là Bình Dương, Long An, Quảng Nam…
Hiện có 12 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) hiện diện trên 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Với tổng diện tích khoảng 7.517 ha, các VSIP đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 80%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.
Đến tháng 12/2022, Việt Nam hiện có 140 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 586 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Về hợp tác kinh tế số – kinh tế xanh, theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Jaya Ratnam, đây là những lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng giữa hai bên trong tương lai. “Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng bền vững, tín dụng carbon và tài chính xanh sẽ cho phép hai quốc gia đạt được mục tiêu của mình trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sắp tới”, ông Jaya Ratnam cho hay.
Bên cạnh đó, Singapore cũng mong muốn thúc đẩy kết nối song phương và khu vực để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp và đầu tư vào đổi mới và công nghệ.
PGS-TS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore) đánh giá, Việt Nam và Singapore có rất nhiều cơ hội có thể hợp tác với nhau để tạo ra những thành quả đặc biệt. Bởi lẽ, hai nước đều đã ra khỏi đại dịch Covid-19 với một tâm thế mới và những kỳ vọng mới trở thành những quốc gia phát triển mạnh thời kỳ sau đại dịch.
Đặc biệt, Đông Nam Á đang có chuyển biến rất tốt, trở thành điểm sáng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và sự trỗi dậy của châu Á. Vì vậy, sự thống nhất hợp tác giữa Việt Nam và Singapore là cốt lõi, có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Đông Nam Á trở thành nền kinh tế mạnh và phồn vinh trong ba thập kỷ tới.