|
|
Năm 2022, cả nước chi gần 9 tỷ USD để nhập khẩu 8,87 triệu tấn xăng dầu |
Sự biến động đầy dị biệt của thị trường xăng dầu trong năm 2022 đã khiến hoạt động nhập khẩu xăng dầu tiếp tục phi mã, nhằm phục vụ đủ nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu trong tháng 12 là là hơn 944.000 tấn, với trị giá 823 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kế cả năm 2022, nước ta đã nhập khẩu 8,87 triệu tấn xăng dầu, trị giá đạt 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) về số tuyệt đối so với năm 2021.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,74 triệu tấn, tăng 1,5% và chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,3 lần và chiếm 21%; lượng nhiên liệu bay nhập về đạt 1,46 triệu tấn, tăng 2,2 lần và chiếm 16% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong năm 2022 chủ yếu từ Hàn Quốc là 3,22 triệu tấn, tăng 96,3%; Singapore là 1,49 triệu tấn, tăng 17,7% trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 1,42 triệu tấn, giảm 37,7%…
Đánh giá về thị trường xăng dầu và điều hành mặt hàng này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: “Năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu tăng cao và biến động bất thường với biên độ lớn theo giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, nhờ đó, từ giữa tháng 11 năm 2022, thị trường xăng dầu trong nước đã ổn định, nguồn cung xăng dầu được bảo đảm, các cửa hàng bán xăng, dầu hoạt động bình thường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Các nhà máy lọc dầu trong nước sex tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6 năm 2023,
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường; theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.