Doanh thu suy giảm
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Năm 2022, đóng góp của ngành viễn thông vào GDP ước đạt 76.452 tỷ đồng.
Còn theo nhận định của E&Y, thị trường di động Việt Nam có tính cạnh tranh cao, ngày càng trở nên bão hòa với tỷ lệ sử dụng SIM đạt 137% vào năm 2020. Cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành di động Việt Nam giảm khả năng sinh lời. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào các dịch vụ trả trước gây áp lực mạnh lên doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU). Dịch vụ cơ bản như SMS, thoại giảm sút, chỉ còn đóng góp 60% vào doanh thu dịch vụ di động…
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chung của thị trường chậm lại do có quá nhiều nhà khai thác, cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng quyết liệt hơn khi thị phần di động Việt Nam đa số thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất gồm MobiFone, Viettel, VinaPhone chiếm trên 90%. Xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G, tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng/gánh nặng đáp ứng nguồn vốn, tài chính với các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, dịch vụ viễn thông truyền thống bị bão hòa và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá và chất lượng không được cải thiện nhiều. Thị trường viễn thông năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,6%, những thị trường mới tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại.
Những con số từ các doanh nghiệp đầu đàn cũng cho thấy sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Viettel, nhà mạng đang dẫn đầu về thị phần thuê bao di động với hơn 54%, kết thúc năm 2022 doanh thu hợp nhất (cả trong nước và nước ngoài) tăng trưởng 6,06%, nhưng doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước chỉ tăng trưởng 3,8%.
Tại MobiFone, năm 2022 chỉ hoàn thành 94,43% kế hoạch năm. Trong kế hoạch năm 2023, MobiFone đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh kinh doanh data để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động.
Với VNPT, năm 2022, tổng doanh thu tập đoàn này chỉ tăng 2% so với năm 2021, đạt 97,5% kế hoạch.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ, thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá hầu như không kiểm soát giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ICT đã và đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về data và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần. Thị trường dịch vụ CNTT ngày càng nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự linh hoạt, lanh lẹ với thị trường.
Chuyển hướng kinh doanh
Các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang triển khai hàng loại chính sách lành mạnh hóa thị trường di động như: siết chặt việc quản lý thông tin người dùng, triển khai áp dụng chuyển mạng giữ số, điều chỉnh chính sách kết nối, khởi động thúc đẩy triển khai 5G, Mobile Money, M2M, IoT…, buộc các doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi hướng đi, tập trung xây dựng và củng cố nền tảng công nghệ sau để có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp số.
Ông Huỳnh Quang Liêm cho biết, trước những thách thức và cơ hội như vậy, VNPT xác định động lực để cạnh tranh và phát triển là chuyển đổi thành một tập đoàn công nghệ, tham gia sâu rộng vào chuyển đổi số quốc gia, trong khi vẫn giữ vững các dịch vụ truyền thống là thế mạnh của một nhà mạng viễn thông hàng đầu.
Còn theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel, xu hướng dùng data để trao đổi trên nền OTT làm suy giảm viễn thông, thị trường cũng bão hòa, đó là điều tất yếu. Khi mỗi người đã dùng 2, 3 cái SIM rồi, ta phải tìm những thứ khác để kết nối. SIM không chỉ còn dùng cho điện thoại, mà còn dùng cho các loại máy móc khác để có các nhà máy thông minh, kết nối ô-tô để có giao thông thông minh. Khi mọi người dùng wifi nhiều hơn, thì mỗi gia đình trở thành một trạm phát sóng… Theo sự phát triển của xu hướng xã hội, một không gian mới mẻ được mở ra lớn gấp nhiều lần viễn thông.
“Viettel đã và đang chuyển đổi từ một nhà khai thác viễn thông (telco) trở thành một công ty công nghệ (techco), trọng tâm được đặt vào chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao”, ông Thắng thông tin.
Lãnh đạo MobiFone cũng cho hay, MobiFone đang chuyển mình mang tính bứt phá từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành công ty công nghệ, phát triển mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực: hạ tầng số, nền tảng, giải pháp số và dịch vụ số.
“Tầm nhìn đến năm 2035, MobiFone hướng đến trở thành nhà cung cấp hạ tầng, giải pháp/nền tảng và dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và quốc tế”, đại diện MobiFone cho biết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu như năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số thì năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; bảo đảm an toàn dữ liệu.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để có thêm giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.