Trong Báo cáo Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023 mới đây, nhóm phân tích FiinRatings thuộc Fiingroup nhận định, lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng.
Kết quả, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản. Cụ thể, nền lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm tăng mạnh lên tới 5,2% so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022.
Vì vậy, trái phiếu chính phủ hạch toán theo giá thị trường do các ngân hàng nắm giữ cũng sụt giảm về giá trị. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng giảm từ mức 7,2% cuối năm 2021 xuống mức 6,3% cuối quý III năm 2022.
Quả thực, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022, VN – Index và HNX – Index giảm lần lượt 32,7% và 56,7% so với đầu năm, khiến danh mục cổ phiếu nắm giữ của các ngân hàng và các công ty con được hợp nhất trên báo cáo tài chính của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Theo FiinRatings, trước đó Việt Nam bước vào đầu năm 2022 với nhiều kỳ vọng trên nhiều phương diện. Thị trường chứng khoán bùng nổ vàVN-Index tiến tới đỉnh mới ở mức 1.524,7 điểm, dịch bệnh dần được kiểm soát khi tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 đạt 99% và các biện pháp cách ly xã hội được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực từ tình trạng trên không duy trì được lâu khi một loạt các sai phạm bị phát giác trong năm vừa qua đã làm lộ diện các lỗ hổng pháp lý vànhiều kiểu biến tướng của các kênh huy động vốn. Thị trường vốn đã có phản ứng ngay lập tức với làn sóng bán tháo đẩy chỉ số VN – Index xuống 34%.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng chứng kiến mua lại tăng 37,8% so với cùng kỳ và giảm 63,7% phát hành mới. Trong đó, chiếm đa số là các lô trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao dao động từ 8,7%-14%, nhưng kỳ hạn ngắn để doanh nghiệp có thể giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn.
Có thể thấy, tắc nghẽn dòng vốn, áp lực đảo nợ và chất lượng tín dụng giảm sút đang là các vấn đề hiện diện trên thị trường. Về phía nhà đầu tư, sự thiếu minh bạch thông tin trước đó cùng với những diễn biến tiêu cực gần đây đã gây ra tâm lý hoảng loạn, đẩy nhóm này qua trạng thái thận trọng hơn bằng cáchgia tăng nắm giữ tiền mặt hay gửi tiết kiệm.
Đáng chú ý là kể từ tháng 9/2022, dưới áp lực tỷ giá và lạm phát, các ngân hàng không còn tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, buộc phải nâng lãi suất huy động và chịu lãi suất liên ngân hàng cao đểđảm bảo thanh khoản. Trong tháng 9 và tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng các mức lãi suất điều hành để giữ ổn định tỷ giá VND/USD, cũng như thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ngay lập tức, lãi suất huy động tăng mạnh, có lúc lên đến hơn 10%/năm và thậm chí còn cao hơn cho kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng. Lãi suất cho vay cũng tăng theo đối với nhiều sản phẩm cho vay của ngân hàng.
Tình trạng thiếu thanh khoản hệ thống khiến cho lãi suất liên ngân hàng thậm chí đã có lúc đạt 8,44%/năm cho kỳ hạn qua đêm, cao hơn cả lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng quốc doanh.
Việc tăng lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi thuần của các ngân hàng, khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất cho vay, và Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện các biện pháp hạn chế gia tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.