Ninh Thuận – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của Chăm Pa Ảnh: Hoàng Anh |
Nghìn năm tháp cổ
Như truyện “Nghìn lẻ một đêm”, những huyền thoại, truyền thuyết và văn hóa Chăm ở vùng đất Ninh Thuận như kéo dài vô tận. Tại tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất cả nước này, nền văn hóa Chăm vẫn in đậm trong cuộc sống, chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc và cả những lễ hội của người dân. Bước chân khám phá, trải nghiệm di sản Chăm ở Ninh Thuận như đưa ta quay về với quá khứ, về những vương triều Chăm Pa xưa và cả những câu chuyện tình lãng mạn.
Ninh Thuận hiện có quần thể kiến trúc Chăm mang nét riêng, độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ XIII – XIV, trong đó có 3 cụm tháp nổi tiếng là Poklong Garai, Po Rome và Hòa Lai, hầu như còn nguyên vẹn. Các cụm tháp này đều được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia và mỗi toà tháp cổ lại kể một câu chuyện riêng.
Hòa Lai là cụm tháp tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tháp Chăm vào khoảng thế kỷ IX, cũng là cụm tháp Chăm cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Công trình kiến trúc nghệ thuật đền tháp Hòa Lai là những gì còn sót lại của một thời vàng son, rực rỡ của vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga. Đến tận bây giờ, nơi vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn về cách xây dựng, người xây dựng và mục đích xây dựng, bởi bên trong đền tháp không thờ bất kỳ vị thần, vị vua hay người có công nào với vương quốc Chăm Pa. Và kỳ lại thay, dù cụm tháp rất đẹp và bề thế, nhưng đã bị người Chăm bỏ hoang từ lâu, bởi họ tin rằng, Hòa Lai là “những ngôi tháp Khmer”.
Những nỗ lực khảo cổ của các nhà khoa học đã chứng minh rằng, Hoà Lai là một trọng địa tôn giáo của vương quốc Chăm Pa, với vai trò có những nét giống thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam hay tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang (Khánh Hòa). Tại cổ tháp này, giới khoa học đã phát hiện ra bia đá Hòa Lai – bảo vật quốc gia. Văn bia Hòa Lai đã tiết lộ phần nào bí mật về cổ tháp này. Dẫu thế, cụm tháp Hoà Lai vẫn ẩn chứa trong mình nhiều bí ẩn.
Trong khi cụm tháp Hòa Lai đã hoang phế, thì tháp Poklong Garai là một hình ảnh ngược lại. Tọa lạc trên đồi Trầu, thuộc TP. Phan Rang, đây là một tuyệt tác kiến trúc và văn hóa Chăm. Trải qua những biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, cụm tháp vẫn lưu giữ nguyên vẹn hiện vật và giá trị truyền thống. Đây là quần thể kỳ vĩ và đặc sắc nhất trong số những đền tháp của người Chăm còn sót lại ở Việt Nam. Tương truyền, cụm tháp này được xây dựng để tỏ lòng tôn kính đối với vua Poklong Garai – người đã tổ chức xây dựng các công trình thủy lợi vẫn còn tồn tại đến nay như các đập Nha Trinh, Lâm Cấm.
Rồi bước chân khám phá sẽ đưa lữ khách đến với Đền tháp Po Rome – nơi ghi dấu về cuộc đời của vị vua Chăm Pa độc lập cuối cùng – vua Po Rome – và câu chuyện tình công nữ Ngọc Khoa của Đại Việt. Tháp Po Rome thờ vua Po Rome, chứ không thờ thần như các tòa tháp cổ khác. Nơi đây còn lưu giữ phù điêu vua Po Rome, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia, như minh chứng cho câu chuyện hư thực về cuộc đời của vua Po Rome.
Chuyện kể rằng, vua Po Rome là người có tài thao lược, người đã xây dựng vương quốc Chăm Pa phồn thịnh. Vì giao bang giữa hai nước, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả Ngọc Khoa cho vua Po Rome. Xinh đẹp, duyên dáng và thông minh, công nữ Ngọc Khoa đã chiếm được sự sủng ái của vua Po Rome. Từ nguy cơ đối đầu, sau cuộc hôn nhân đó, nguy cơ chiến tranh giữa Chăm Pa và Đại Việt đã không còn. Chính vì thế, tháp Po Rome trở nên rất đặc biệt, dù là công trình kiến trúc có quy mô nhỏ nhất trong số các đền tháp ở Ninh Thuận và có tuổi đời “trẻ nhất” trong tất cả đền tháp Chăm ở Việt Nam.
Hội tụ những giá trị khác biệt, Ninh Thuận đang phát triển mạnh mẽ, vững tiến đến tương lai |
““Mỏ vàng”” của du lịch
Không chỉ cổ tháp, mà văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng vô cùng phong phú, với hơn 100 lễ hội khác nhau. Du khách sẽ lạc bước vào lễ Katê, lễ Rija Nưgar, lễ Rija Praung, lễ mừng cơm mới mà bao đời qua, người dân vẫn gìn giữ, hay hòa theo nhạc điệu của đàn Kanhi, trống Ghinăng và những điệu múa Chăm duyên dáng.
Và vẫn còn đó “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được ghi vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)… Mỗi di tích văn hóa, nghệ thuật độc đáo của người Chăm đã làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam.
Hội tụ nhiều yếu tố đặc thù về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và di tích lịch sử, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch ở Nam Trung bộ. Bên cạnh bờ biển dài và đẹp, Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình đậm nét rừng nguyên sinh, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia…, thì nghệ thuật văn hóa Chăm đã trở thành một “tài nguyên” cho ngành du lịch địa phương này. Có hàng chục đền tháp Chăm đã ghi vào di tích quốc gia và di sản văn hóa thế giới, nhưng chỉ có 4 đền tháp ở Ninh Thuận còn gắn với các lễ hội truyền thống của người Chăm.
Bên cạnh đó, chỉ có ở Ninh Thuận mới lưu giữ những bí quyết về gốm tráng men của người Chăm, một phương thức sản xuất gốm cổ xưa đã ra đời cách ngày nay hơn 800 năm, cùng những làng nghề dệt thổ cẩm – sản phẩm chỉ dùng cho các chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng Chăm. Và còn đó hệ thống thủy lợi mải miết chảy gần nghìn năm qua, để tưới mát cho những cánh đồng nho chín mọng…
Theo thống kê, đến nay, xứ sở của những điệu múa Chăm này đã thu hút 57 dự án dịch vụ du lịch, với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% GRDP toàn tỉnh. Giá trị khác biệt mà văn hoá, nghệ thuật Chăm đã có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng đó của du lịch Ninh Thuận.
Sở hữu nhiều yếu tố đặc thù, Ninh Thuận đang hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với đóng góp khoảng 15% GRDP…
Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, để thu hút du khách, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, chú trọng du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa Chăm…
Với ý nghĩa to lớn mà văn hóa, nghệ thuật Chăm mang lại, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc đó, để từng bước xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm văn hóa Chăm tầm cỡ quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia – vùng…
Sau nghìn năm, những cổ tháp Chăm vẫn đứng vững, những nghi lễ – điệu múa Chăm vẫn được lưu truyền và kể câu chuyện của riêng mình. Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận không chỉ đóng góp vào kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành một nguồn lực quan trọng để Ninh Thuận bước đến tương lai.