USD giảm xuống gần mức thấp nhất trong 7 tháng, khiến vàng rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức thấp nhất trong 3 tuần cũng hỗ trợ thị trường kim loại quý.
Chỉ số USD – Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 103,2 điểm sáng nay, 10/1/2023.
Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, lãi suất USD có vẻ như sẽ tiếp tục cao hơn. Nhưng lãi suất có giới hạn về những gì nó có thể làm và thị trường đang định giá điều đó.
Các thị trường tiền tệ đặc cược 75% khả năng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 2/2023, với lãi suất cuối kỳ dự kiến chỉ dưới 5% vào tháng 6.
Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn được coi như một công cụ phòng ngừa lạm phát, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi.
Tuy nhiên, mặt hàng kim quý vàng đã có nhiều phiên tăng điểm trong những ngày đầu năm 2023. Giá vàng có thời điểm gần chạm mức 1.900 USD/ounce khi Trung Quốc cho biết đã mua 30 tấn trong tháng 12.2022. Việc Trung Quốc mở cửa đã khiến thị trường vàng lạc quan hơn.
Mục tiêu tiếp theo mà vàng được giới phân tích kỳ vọng, cần vượt qua là khoảng 1.900 USD/ounce, thấp hơn 61,8% kể từ mức cao nhất vào tháng 3 năm ngoái – đạt gần 2.070 USD/ounce.
Bank of America dự báo, giá vàng sẽ chạm đáy vào đầu năm 2023 trước khi đạt mức trung bình 2.000 USD/ounce trong quý III và quý IV do Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Đồng thời, các chuyên gia của Bank of America cũng chỉ ra nhu cầu vàng tăng lên từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, vốn đã mua 399 tấn kim loại quý trong quý III/2022, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Con số này tăng 341% so với cùng kỳ năm trước đó và đánh dấu mức kỷ lục hàng quý.
Đối với thị trường vàng trong nước, trong phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC ở mức 65,9- 66,7 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm nhẹ so với phiên cuối tuần. Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao. Vả lại, cung vàng miếng thương hiệu SJC trong nước hạn chế kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đến nay.
Chính mức chênh lệch giữa vàng trong nước và quốc tế khá cao đã tạo cơ hội cho nạn vàng lậu “chảy” vào Việt Nam. Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố 23.603 đồng, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt đi xuống như Vietcombank giảm 20 đồng khi còn mua vào 23.270 đồng/USD và bán ra 23.620 đồng/USD.