Triển vọng giá vàng trong 2023
Sở dĩ giá vàng tăng nhờ sức khỏe đồng đô la Mỹ giảm, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm xuống dưới 104 điểm.
Đồng thời, dữ liệu vĩ mô mới nhất từ Mỹ đã kéo vàng trở lại mức cao nhất trong 6 tháng sau khi nền kinh tế và việc làm của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại một cách khiêm tốn trong tháng 12, với bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng 223.000 vào tháng trước. Dữ liệu tháng 11 đã được sửa đổi giảm xuống còn 256.000 việc làm được tạo ra.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng giảm từ mức 3,6% của tháng 11 xuống còn 3,5% trong tháng 12, tích cực hơn nhiều so với dự báo ở mức 3,7%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, lạm phát vẫn ở mức cao, nguyên nhân chính đến từ sự mất cung cầu hàng hóa trên thị trường. Mục tiêu lạm phát của Fed vẫn hướng đến mức 2%, gia tăng việc làm trong dài hạn.
Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế và lạm phát và chính ảnh hưởng này sẽ xác định độ tăng lãi suất của Fed trong tương lai.
Cuối cùng, thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ tăng 0,3% trong tháng 12, yếu hơn so với dự báo tăng 0,4% như kết quả đạt được ở tháng 11. Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin quan trọng về lạm phát tại Mỹ (CPI) được công bố.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã giảm lần đầu tiên sau 30 tháng vào tháng 12, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ đạt mức 49,6%. Mức giảm 6,9 điểm phần trăm gây bất ngờ cho thị trường khi các chuyên gia trước đó dự đoán chỉ số đạt 55%.
Vàng bắt đầu có dấu hiệu của một mô hình tăng giá vào quý IV/2022 nhờ kỳ vọng Fed sẽ thay đổi lập trường tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm 2023.
Mục tiêu tiếp theo mà vàng được giới phân tích kỳ vọng, cần vượt qua là khoảng 1.900 USD/ounce, thấp hơn 61,8% kể từ mức cao nhất vào tháng 3 năm ngoái – đạt gần 2.070 USD/ounce.
Bank of America dự báo, giá vàng sẽ chạm đáy vào đầu năm 2023 trước khi đạt mức trung bình 2.000 USD/ounce trong quý III và quý IV do Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Đồng thời, các chuyên gia của Bank of America cũng chỉ ra nhu cầu vàng tăng lên từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, vốn đã mua 399 tấn kim loại quý trong quý 3/2022, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Con số này tăng 341% so với cùng kỳ năm trước đó và đánh dấu mức kỷ lục hàng quý.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iraq, Uzbekistan và Qatar nằm trong số những ngân hàng trung ương mua nhiều nhất trong giai đoạn đó, với lý do mà ANZ chỉ ra rằng đồng nội tệ mất giá, vỡ nợ và tình hình địa chính trị xấu đi.
Nhưng hiện thị trường đang đặt cược vào triển vọng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, bất chấp tình hình lợi suất trái phiếu tăng.
Tuy nhiên, theo Commonwealth Bank, trong khi vàng có lịch sử giữ mối quan hệ nghịch đảo với cả USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thì mối liên hệ của kim loại này với lợi suất thực trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ theo truyền thống là mối quan hệ mạnh mẽ hơn đối với cả 2 tài sản này.
Trên thực tế, giá vàng đã tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm 2023, khi USD lao dốc sau khi một số dữ liệu kinh tế của Mỹ củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ và ngược lại.
Rủi ro khi mua vàng trong nước
Đối với thị trường vàng trong nước, trong phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC ở mức 66,4- 67,2 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 300.000 đồng/lượng so với phiên cuối tuần. Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao. Vả lại, cung vàng miếng thương hiệu SJC trong nước hạn chế kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đến nay.
Chính mức chênh lệch giữa vàng trong nước và quốc tế khá cao đã tạo cơ hội cho nạn vàng lậu “chảy” vào Việt Nam. Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này cho thấy lượng vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trong đó có nhẫn trơn 24K là không hề nhỏ.
Trong khi vàng nguyên liệu trên thị trường hiện chủ yếu từ mua đi bán lại và mua trôi nổi trên thị trường, trong đó có vàng nhập lậu và đã bị công an bắt giữ nhiều vụ.
Kết quả từ báo cáo Wealth Expectancy 2022 của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, trong năm nay, vàng tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm, với 57% cho biết họ đầu tư vào vàng do tình hình lạm phát, ngoài ra để đối phó với lạm phát của 2022, 49% nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu giá trị và 44% quan tâm đến trái phiếu.
Trước đó, thông tin đưa ra từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cũng cho thấy, tại thị trường Việt Nam, từ 3,3 tấn trong quý III/2021, nhu cầu tiêu thụ vàng nhìn chung đạt 12 tấn trong quý III/2022, tăng 264% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cho thấy, mức tăng trưởng tương tự khi tăng từ 2,4 tấn ở quý III/2021 lên 8,5 tấn trong quý III/2022, tương ứng tăng 254%. Nhu cầu vàng trang sức tăng từ 0,9 tấn trong quý III/2021 lên 3,5 tấn trong quý III/2022, tương ứng tăng 290%.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tăng nhẹ tỷ giá trung tâm 2 đồng, lên 23.605 VND/USD, không đổi so với phiên cuối tuần. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước được niêm yết 23.450-24.780 VND/USD (mua -bán).
Còn tại ngân hàng Vietcombank mua vào 23.290 – 23.320 đồng, bán ra 23.640 VND/USD, giảm khoảng 10 VND/USD so với cuối tuần qua.