Đúng như thị trường dự báo trước đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,5% – 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, Fed đã 4 lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trước khi giảm xuống 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022.
Trong các tuyên bố công khai gần nhất, nhiều quan chức nhận định ít nhất, Fed có thể giảm bớt mức nâng lãi suất mà không báo hiệu chấm dứt nâng lãi suất.
Thực vậy, Fed nâng 25 điểm cơ bản, báo hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong sáng ngày 2/02/2023 (giờ Việt Nam) và không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sắp tới cuối chu kỳ nâng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed cho biết, lạm phát đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn còn cao. Động thái này đánh dấu đợt nâng lãi suất chuẩn thứ 8 kể từ tháng 3/2022 trong một nỗ lực kìm hãm lạm phát vốn có lúc ở đỉnh 40 năm.
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng qua sau khi Fed công bố nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đúng như các nhà đầu tư lẫn chuyên gia kinh tế dự báo trước đó. Vì thế, giá vàng giao tháng 4/2023 trên thị trường quốc tế còn tăng lên 1.973 USD/ounce.
Trái với sự tăng vọt của giá vàng hôm nay, USD giảm xuống mức thấp mới gần đây. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa ở mức xấp xỉ 101 điểm.
Vàng, một hàng hoá được định giá bằng đồng bạc xanh, rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi và ngược lại.
Trước đó, thị trường đang mong chờ các tín hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt nâng lãi suất tại cuộc họp lần này. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất không hề có các dấu hiệu đó.
Vì thế, trái chiều với đà tăng của vàng, chứng khoán Mỹ lúc đầu rớt mạnh sau tuyên bố họp của Fed, với Dow Jones sụt hơn 300 điểm. Tuy nhiên, sau đó thị trường đồng loạt quay đầu khởi sắc trở lại.
Các chuyên gia phân tích của Standard Chartered nhận định cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell là tương đối ôn hòa, báo hiệu mức lãi suất cao nhất sắp đạt được và nhấn mạnh lạm phát giảm đã giúp giá vàng tăng khi USD suy yếu và lãi suất thực giảm.
Theo Standard Chartered, vàng đã tìm thấy sự hỗ trợ lớn từ những thông tin bổ sung của ngân hàng trung ương và vị thế của các nhà đầu tư vàng được nâng lên trong giai đoạn này, gợi ý rằng nhiều yếu tố vĩ mô đã được phản ánh vào giá và giá có thể sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023.
Chính sách tiền tệ của Fed thường có độ trễ tới nền kinh tế, tức khi Fed nâng lãi suất, nền kinh tế cần có thời gian để điều chỉnh.
Các quan chức Fed vẫn quyết tâm kéo giảm lạm phát, mặc dù cho biết số liệu gần đây cho thấy áp lực có thể đã giảm bớt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước đó và tăng 6,5% so với cùng kỳ và hiện thị trường đang chờ đợi CPI tháng 1/2023 của Mỹ.
Trước xu hướng tăng vọt của giá vàng quốc tế sáng nay lên trên ngưỡng 1.950 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng tăng theo nhưng chỉ ở mức độ nhẹ khoảng 300.000 – 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá 66,8-67,6 triệu đồng/lượng (mua-bán). Quy đổi tương đương, kim loại quý đang có giá 55,6 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, mỗi lượng vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới 12 triệu đồng.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 2 đồng/USD, xuống còn 23.608 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giữ nguyên giá USD ở mức thấp. Vietcombank mua USD với giá 23.250 – 23.280 đồng/USD, bán ra 23.620 đồng/USD.