Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) tham gia thảo luận. |
Chiều ngày 6/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), và các vấn đề tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo nhiều đại biểu thì vẫn còn đang rất loay hoay.
Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự thảo luật rất khó, đã phải lùi thông qua tại kỳ họp thứ tư để hoàn thiện thêm, song ở kỳ họp này, đại biểu lại không có đủ thời gian để nghiên cứu.
Hồ sơ dự án luật được gửi cho đại biểu vào 21h55 ngày 4/1 và sáng nay (ngày 6/1), hơn 5h00 giờ lại có báo cáo giải trình, tiếp thu thay đổi. Trừ đi 3 buổi họp Quốc hội và mặc định không đọc các tài liệu thuộc nội dung khác thì đại biểu chỉ có vài tiếng nghiên cứu cả nghìn trang tài liệu là không đủ thời gian”, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu.
Đáng chú ý, vị đại biểu Gia Lai chỉ ra rằng, số điều khoản của dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên đến nay đã hơn 40 điều, chiếm hơn 30% số điều luật và nhiều điều giao Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đây là luật có số điều giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nhất và có nhiều chính sách mới bổ sung, điều chỉnh, nhưng 5 nghị định kèm theo lần đầu gửi hồ sơ chưa sửa đổi, bổ sung nên chưa rõ tính thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện, ông Anh nhấn mạnh.
Đi vào những nội dung cụ thể, tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn là nội dung khiến đại biểu băn khoăn.
Cho biết sáng ngày 6/1 đã dạy từ 4 giờ để nghiên cứu tài liệu, nhưng đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) nói “nhiều nội dung khó quá” nên chỉ đề cập một số vấn đề.
Về tự chủ bệnh viện, ông Nhân nói, tại Điều 108 Dự thảo luật nói tự chủ trong quyết định về nhân sự theo quy định của luật… Nhưng không biết là theo luật nào. Và dự thảo cũng không nêu rõ nguyên tắc gì để đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh.
“Nếu không nói cụ thể thì phải nói các nguyên tắc của tự chủ. Đợi hướng dẫn của Chính phủ thì không biết sự hướng dẫn có phù hợp với cái chúng ta suy nghĩ hay mong muốn hay không”, ông Nhân băn khoăn.
Theo ông Nhân, trong tự chủ nhân sự, bộ máy, biên chế, tuyển dụng còn có nội dung trả lương, chính sách cho cán bộ, nhưng chưa có quy định cấp luật về vấn đề này . Luật Sự nghiệp công lập chưa có. Nghị định 60 về tự chủ bệnh viện quy định trả lương theo ngạch bậc và lương tăng thêm tối đa không quá 2 lần lương cơ sở thì như thế không đáp ứng được yêu cầu tự chủ về tổ chức, cán bộ, nhân sự.
Vẫn theo đại biểu Nhân, tương tự, ở điều 108 cũng có ghi tự chủ tài chính theo quy định pháp luật nhưng cũng không cụ thể để có thể thực hiện.
Về tài chính trong khám chữa bệnh, ông Nhân băn khoăn khi Dự thảo quy định Bộ trưởng y tế quy định phương pháp định giá đối với cơ sở khám chữa bệnh.
“Theo tôi quy định thế này không đúng luật pháp. Phương pháp định giá là thẩm quyền của Chính phủ trình Quốc hội theo Luật Giá và người hướng dẫn tổng quản là Bộ Tài chính, chứ không phải là Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ hướng dẫn phương pháp xác định giá mà Luật Giá quy định chứ không phải quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vì quy định như dự thảo dễ dẫn đến xung đột nếu hướng dẫn này không đúng Luật Giá thì không làm được. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế là hướng dẫn chi tiết phương pháp định giá cho các dịch vụ khám chữa bệnh theo Luật Giá, nên làm rõ như vậy”, ông Nhân đề nghị.
Hơn nữa, theo đại biểu Nhân thì hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, vậy Bộ Y tế định giá gì. Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm.
“Sắp tới Bộ Y tế quy định giá là đúng nguyên tắc, nhưng có khả thi không, không khả thi thì ai chịu trách nhiệm. Hơn 40% dich vụ không có giá thì vận dụng giá nào đây? Chúng tôi cho rằng, cần thay đổi cách quản lý, cái nào Bộ Y tế chưa công bố định giá thì cơ sở được làm thì mới làm được”, ông Nhân đề nghị.
Vị đại biểu TP.HCM cũng nhấn mạnh luật càng phức tạp, càng phải chặt chẽ. Mà bài học 10 năm qua cho thấy, nội dung nào trình Quốc hội có quy định Chính phủ quy định mà không kèm nghị định thì sau này khó khăn trong thực hiện.
“Chúng tôi đề nghị trình luật này cần kèm theo tất cả nghị định hướng dẫn để chúng ta kiểm soát được và cần lấy ý kiến bệnh viện trong cả nước trước khi trình Quốc hội thông qua”, ông Nhân phát biểu.
Đồng tình với phân tích của đại biểu Nhân về tự chủ bệnh viên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tự chủ thì quan trọng nhất là tự chủ nhân sự.
“Tôi đồng tình đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, quy định ở đây bệnh viện tự chủ được tự quyết nhân sự, nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật. Nhưng khi tuân thủ thì không khác gì hơn các bệnh viện không tự chủ. Ví dụ tuyển dụng, sa thải, đề bạt tất cả đều tuân thủ quy trình viên chức trong bệnh viện không tự chủ. Như vậy thì không thể nào tự chủ nhân sự’, ông Cường nhấn mạnh.
Hay trong trả lương, bệnh viện được quyền tự quyết định mức chi trả, nhưng lại tuân thủ quy định. Nếu tuân thủ quy định mà không ngoặc vào đấy là Chính phủ quy định tuân thủ thế nào thì giống như bệnh viện không tự chủ, như vậy không khuyến khích người giỏi, ông Cường băn khoăn.
Về giá dịch vụ, ông Cường nhận xét, quy định tại Dự thảo vừa loại bỏ cơ hội của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn sử dụng dịch vụ cao của người có khả năng chi trả. Các bệnh viện không thể vươn lên để nâng cao mức độ tự chủ.
Vì vậy, đại biểu Cường đề nghị đối với các bệnh viện tự chủ phân thành 2 loại: Giá dịch vụ cơ bản đáp ứng phần đông mọi đối tượng, mức giá này không vượt quá quy định nhà nước theo tỉ lệ nhất định. Đầu tiên không quá 30% và hàng năm không tăng quá 10%. Và thứ hai là giá dịch vụ theo yêu cầu. Và giá này không theo mức giá quy định tùy theo chất lượng và yêu cầu, mong muốn của bệnh viện.
“Tất nhiên, cơ cấu giá này phải tuân thủ quy định về cấu thành giá chứ không phải anh muốn đặt ra thế nào thì đặt”, ông Cường lưu ý.
Theo dự kiến, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được thông qua chiều ngày 9/1, trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp bất thường.