Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trong phiên làm việc sáng 5/1 |
Đây là nội dung Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh khi trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Mặc dù cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, xong Ủy ban Xã hội xác định, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.
“Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, bền vững và lâu dài để giải quyết các vướng mắc, bất cập”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Theo Ủy ban Xã hội, việc giấy đăng ký lưu hành thuốc không được gia hạn kịp thời xảy ra từ trước khi bùng phát dịch COVID-19 và trầm trọng hơn do tác động của dịch COVID-19. Để giải quyết những khó khăn trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quy định này cơ bản đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vấn đề giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong năm 2022, song trong 2 năm 2023-2024 dự kiến sẽ cần tiếp tục gia hạn cho trên 12.400 thuốc.
Như vậy, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cơ chế nhưng Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa tận dụng được cơ hội để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc.
Tình trạng này có thể tái diễn nếu ngành y tế không bố trí đủ nguồn nhân lực và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng như quy trình gia hạn.
“Tờ trình của Chính phủ có nêu, một trong những nguyên nhân chưa kịp giải quyết hồ sơ gia hạn thuốc do trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định trong Luật Dược. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa có đề xuất chính thức về sửa đổi Luật Dược, ngay cả khi Ủy ban Xã hội đã nhiều lần đôn đốc Bộ Y tế khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Dược”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm rõ.
Do vậy, Ủy ban xã hội yêu cầu Chính phủ cần đánh giá cụ thể và rõ ràng hơn hạn chế của quy định về hồ sơ, thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Y tế và khẩn trương nghiên cứu, xác định thời gian, lộ trình sửa đổi Luật Dược để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc (nếu có) nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về dược thời gian tới.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính trong trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ, mà vẫn bảo đảm chất lượng thuốc trước khi được lưu hành hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ Y tế.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn khả năng cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu tối đa các thủ tục trong việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhất trí.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội yêu cầu Chính phủ nhấn mạnh rõ hơn trong Tờ trình gửi Quốc hội, việc chậm thanh toán chi phí trong điều trị cho người bệnh COVID-19, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới các cơ sở y tế, tâm lý y, bác sĩ và đội ngũ tham gia phòng, chống dịch COVID-19.