Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo và định hướng hoạt động cho ngành GTVT trong năm 2023. |
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ GTVT tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 vừa được tổ chức vào chiều 13/1 tại Hà Nội.
Khuyến khích hợp tác công tư
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2022, chỉ trong thời gian rất ngắn, Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả “núi” công việc, trong đó đáng kể nhất là đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với thời gian chuẩn bị chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 – 4 năm so với các dự án trước).
Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch. Thủ tướng cho biết, trong những năm tới, cùng với việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng giao thông sẽ là 2 lĩnh vực tiếp tục nhận được sự đầu tư lớn từ các nguồn vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách. Trong đó, phát triển các dự án hạ tầng đường cao tốc là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
“Mục tiêu là đến năm 2025 cả nước phải có 3.000 km đường cao tốc, phấn đấu tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc đi qua để mở ra không gian và động lực phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng nhắc nhở và nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này tập trung cho phát triển hệ thống đường cao tốc, nhiệm kỳ tới tập trung cho hệ thống đường sắt.
Để đạt mục tiêu này, ngay từ bây giờ, Bộ GTVT phải khẩn trương với các bộ, ngành và địa phương liên quan để sớm hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với vận tốc khoảng 200 km/h, đảm bảo chạy từ Hà Nội và Tp.HCM mất khoảng 8h; ưu tiên đầu tư sớm tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Thủ tướng cho biết, trong 2 năm đầu của kế hoạch 2021 – 2026, cả nước đã huy động được 500.000 tỷ đồng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Để có được nguồn lực này, Chính phủ đã phải cắt bỏ gần 5.000 dự án ở các lĩnh vực khác. Do vậy, Bộ GTVT phải tổ chức triển khai nhanh, gọn, hiệu quả; không để thất thoát, lãng phí.
Để đảm bảo có đủ nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Bộ GTVT phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, phải có cơ chế chính sách để khởi động lại BOT để huy động nguồn lực xã hội, trước mắt xử lý dứt điểm các dự án BOT đang gặp khó khăn nhưng phải có công cụ kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai, trong đó Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc đảm bảo sự minh bạch, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh Bộ GTVT cần tuyệt đối tránh việc chia nhỏ các gói thầu quá manh mún, nhất là tại các dự án đường cao tốc, không để xảy ra tình trạng bán thầu sai quy định.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc trong công tác đăng kiểm ô tô, tổ chức lại công tác này.
“Nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng xin – cho, dễ nảy sinh tiêu cực; đề nghị ngành GTVT và các địa phương xem xét, những việc, lĩnh vực mà nhân dân và xã hội làm được và làm tốt thì khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công tư”, Thủ tướng lưu ý.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45. |
6 nhiệm vụ lớn của ngành GTVT
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2023, Bộ GTVT tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được ưu tiên trong năm 2023, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 9 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đang triển khai.
Trong đó, 7 dự án (Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Năm 2024 sẽ tiếp tục hoàn thành 2 dự án thành phần còn lại (Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo). “Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, bên cạnh 12 gói thầu đã được khởi công, 13 gói thầu còn lại phấn đấu hoàn thành ký kết hợp đồng với nhà thầu, đảm bảo điều kiện khởi công trước ngày 30/1/2023. Bộ GTVT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng của các dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Nhiệm vụ thứ ba được Tư lệnh ngành GTVT đặt ra là chủ động rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ những nội dung còn chồng chéo trong đầu tư HTGT. Trình các cấp thẩm quyền xem xét Luật Đường bộ, Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Sửa đổi bổ sung 29 thông tư, 7 nghị định theo nhiệm vụ được giao.
Thứ tư là đổi mới công tác quản lý hoạt động vận tải, nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải các lĩnh vực; Phối hợp chặt chẽ triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm ATGT, nhất là các hành vi chở quá khổ quá tải, xe dù bến cóc, nồng độ cồn,….
Thứ năm là đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục tập trung thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Trên cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu chuyên ngành, sẽ hướng tới quản lý điều hành trên dữ liệu số.
“Cuối cùng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành triển khai tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC) theo đúng nội dung, chủ trương nghị quyết Bộ Chính trị đã phê duyệt”, Bộ trưởng cho hay.
Được biết, trong năm 2022, toàn ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”. Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án.
Ngành GTVT vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ – La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.
Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía đông với 12 dự án thành phần.
Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.
“Năm 2022, kết quả giải ngân của Bộ GTVT vẫn đạt tỷ lệ cao, là cứu cánh cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong năm 2022”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.