Cụ thể, người đứng đầu ngành Y tế cho hay sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề tồn tại, hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, ngân sách Nhà nước chi cho y tế và bảo hiểm y tế trong tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người còn thấp.
Hiện chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. |
Tỷ lệ chi tiền túi hộ gia đình vẫn còn cao. Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối do mức đóng thấp. Nguồn kinh phí dành cho y tế còn thiếu chưa đáp ứng đủ yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực dân số thay đổi cách thức tổ chức thực hiện.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Tồn đọng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế.
Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc gia tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số địa bàn chưa bảo đảm, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra.
Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã giải quyết được một phần, nhưng còn chưa triệt để. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế.
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu…
Ngoài ra, để nâng chất lượng khám chữa bệnh, làm cho người dân hài lòng ngành sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, các dự án luật. Trước mắt, tập trung trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn luật;
Nghiên cứu sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế…; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tập trung công tác phòng chống dịch bệnh; đổi mới y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe. Tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch; duy trì, thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Tăng cường năng lực giám sát và dự báo dịch bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; làm tốt công tác an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế. Đổi mới công tác dân số và phát triển.
Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Sớm ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
Đồng thời từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc; các đơn vị cấp khu vực, vùng.
Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; trong đó có Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó triển khai các giải pháp phát triển nhân lực y tế, đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế.
Rà soát giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa, đổi mới phương thức chi trả; đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản.
Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số. Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, nhất là trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của toàn xã hội.