TP.HCM được đánh giá là địa điểm lý tưởng để hình thành một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế |
Nền kinh tế mới nổi năng động bậc nhất
Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển vượt trội và chưa từng có kể từ khi cải cách nền kinh tế thị trường (bắt đầu từ “Đổi mới” năm 1986). Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động bậc nhất trên thế giới và mang đến vô số cơ hội.
Ở Đông Nam Á và hơn thế nữa, Việt Nam là điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia, chẳng hạn Samsung, B.Braun và Bosch, cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài và các nhà đầu tư. Nhưng xét về ngành tài chính, Việt Nam còn chưa thực sự nổi bật.
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá rất tích cực. Trên thực tế, bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã vượt qua tương đối tốt trong 2 năm đại dịch. Một yếu tố quan trọng là sự mở cửa của nền kinh tế và đất nước sau đợt phong tỏa ngắn nhưng khắc nghiệt vào mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với Việt Nam có thể đến từ những rủi ro suy giảm kinh tế từ bên ngoài, bao gồm cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu và chính sách nợ công, chủ nghĩa can thiệp toàn cầu gia tăng, lãi suất tăng và chuỗi cung ứng vẫn đang bị gián đoạn. Việt Nam sẽ tìm thấy con đường của mình trong chuỗi liên tục này.
TP.HCM đặc biệt hứa hẹn là địa điểm cho một trung tâm tài chính trong tương lai, vì thành phố và các khu vực xung quanh đã là trụ sở của nhiều công ty quốc tế, bao gồm cả ngân hàng và Fintech.
GS-TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Friedrich Naumann Foundation (FNF) Vietnam
Về chính sách kinh tế, Việt Nam vẫn đang tiếp tục dựa vào chiến lược đã giúp đất nước vươn lên trong quá khứ kể từ khi rời bỏ nền kinh tế kế hoạch, bao gồm các cam kết rõ ràng về thương mại tự do. Ngân sách quốc gia lành mạnh, có thể quản lý được (tỷ lệ nợ trên GDP là 43,7%) và môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư.
Những con số tích cực về kinh tế của Việt Nam đã nói lên điều đó: kim ngạch thương mại tăng trong 3 quý đầu năm 2022 (xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 13%). Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Việt Nam tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% trong năm 2022. Tỷ giá ổn định là yếu tố tích cực cho Việt Nam, rủi ro lạm phát (CPI tăng 3,15% trong năm 2022) không quá cao so với các nền kinh tế khác.
TP.HCM hứa hẹn là địa điểm lý tưởng cho trung tâm tài chính
Không phải mọi quốc gia đang phát triển là sẽ nghiễm nhiên có một trung tâm tài chính quốc tế. Nhiều quốc gia công nghiệp hóa, chẳng hạn Hàn Quốc hay Italia, có các ngân hàng và tổ chức tài chính xuất sắc hoạt động trên phạm vi quốc tế. Nhưng với tư cách là các trung tâm tài chính quốc tế, các thành phố lớn của họ không có danh tiếng như New York, London, Frankfurt hay Singapore. Do đó, không bắt buộc đối với một nước công nghiệp hóa mà Việt Nam đang nỗ lực trở thành phải có một trung tâm tài chính quốc tế.
Hơn nữa, sự cạnh tranh rất khốc liệt và việc tạo điều kiện để điều này trở thành sự thật là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên, việc cung cấp cho ngành tài chính một thiên đường mới, bên cạnh các ngành công nghiệp khác có một sức hấp dẫn rất lớn. Lý do, theo quan điểm cá nhân, tôi thấy Việt Nam sẽ nắm bắt những lợi thế sau nếu TP.HCM trở thành trung tâm tài chính.
Một là, chuyên nghiệp hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình dài chuẩn bị cho việc hình thành một trung tâm tài chính, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn sẽ phải đứng trước áp lực cải cách rất lớn. Các hoạt động này đòi hỏi nỗ lực phối hợp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, giải quyết tỷ lệ nợ xấu hiện vẫn còn nghiêm trọng, làm trong sạch thị trường, chuyên nghiệp hóa thị trường vốn cổ phần và trái phiếu cũng như giới thiệu một hệ thống xếp hạng đáng tin cậy. Điều này sẽ làm tăng mạnh khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam.
Hai là, tác động lan tỏa cho các lĩnh vực khác. Việc hình thành trung tâm tài chính ở Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực và các ngành khác nhau. Chắc chắn, khoảng cách gần gũi các tổ chức tài chính là điều không còn cần thiết trong thời đại số hóa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, một hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp hóa bao gồm các tổ chức tín dụng quốc tế và quốc gia cũng giúp cải thiện điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước. Điều này được chứng minh bởi nhiều trung tâm tài chính khác trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại khác cũng phát triển mạnh trong môi trường của họ.
Ba là, nâng cao danh tiếng cho Việt Nam. Việt Nam đã chứng tỏ là một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI. Hơn nữa, thị trường nội địa cũng đang phát triển vượt bậc. Sự hiện diện của một trung tâm tài chính sẽ bổ sung thêm khía cạnh hấp dẫn khác cho danh tiếng quốc tế của Việt Nam. Ví dụ điển hình nhất về điều này là Dubai, hiện đã có được danh tiếng rất tốt với tư cách là một trung tâm tài chính lớn.
Trước kia, Dubai được biết đến với sa mạc, ánh nắng mặt trời và các cửa hàng miễn thuế tại sân bay. Nhưng hiện nay, Dubai rất có tiếng trên thị trường quốc tế. Dubai với định vị như một trung tâm tài chính đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển này. Nhiều công ty hiện có trụ sở chính tại vùng lãnh thổ trên vịnh Ba Tư này. Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC) hiện là trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Đông, châu Phi và Nam Á (MEASA), bao gồm 72 quốc gia với dân số khoảng 3 tỷ người và GDP danh nghĩa là 8.000 tỷ USD.
DIFC có thể được coi là một câu chuyện thành công trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và dòng đầu tư trong khu vực MEASA. Nó kết nối các thị trường đang phát triển nhanh này với các nền kinh tế ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. DIFC là nơi có cơ quan quản lý độc lập, được quốc tế công nhận và hệ thống tư pháp thông luật của Anh đã được chứng minh, cũng như hệ sinh thái tài chính lớn nhất trong khu vực với hơn 29.700 chuyên gia hiện làm việc trong hơn 4.000 công ty đã đăng ký hoạt động, tạo thành một tổ hợp lớn nhất và đa dạng nhất của các tài năng công nghiệp trong khu vực.
Ngày nay, DIFC cung cấp một trong những môi trường đầu tư mạo hiểm và Fintech toàn diện nhất trong khu vực, bao gồm các giải pháp cấp phép hiệu quả về chi phí, quy định phù hợp với mục đích, các chương trình đổi mới sáng tạo và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng. Theo tôi, Dubai có thể đóng vai trò, ở một mức độ nhất định, như một hình mẫu cho TP.HCM.
Bản thân tôi đã làm việc với tư cách là một nhân viên ngân hàng ở Đức và Việt Nam trong gần hai thập kỷ. Vì vậy, tôi có thể nhận ra rất rõ những cơ hội phát sinh trong ngành tài chính và theo tôi, những cơ hội này có thể tìm thấy ở Việt Nam.
Trong các cuộc trao đổi với Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước, tôi đã thảo luận nhiều ý kiến. Cá nhân tôi cho rằng, TP.HCM đặc biệt hứa hẹn là một địa điểm trong tương lai cho một trung tâm tài chính, vì thành phố và các khu vực xung quanh đã là trụ sở của nhiều công ty quốc tế, bao gồm cả ngân hàng và Fintech. Ngoài ra, thành phố mang đến cho người nước ngoài và các chuyên gia Việt Nam một môi trường sống và làm việc tốt.
Nếu trong tương lai, hệ thống giao thông công cộng được mở rộng hơn nữa, thì có thể hình dung được việc phát triển một trung tâm tài chính hợp tác với một trong các tỉnh lân cận, ví dụ như Bình Dương.
Những nhà hoạch định chính sách cần đưa ra quyết định và tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc phát triển này. Hình thành trung tâm tài chính là một dự án khổng lồ, chắc chắn sẽ không làm xong trong một sớm một chiều, nhưng rất đáng để Việt Nam bắt tay vào thực hiện. Tôi coi dự án này là một trong những dự án quan trọng và hướng tới tương lai nhất tại Việt Nam. Với tư cách là Giám đốc Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam, một tổ chức thúc đẩy kinh tế thị trường và tự do thương mại, tôi sẽ rất vui khi được tham gia vào quá trình này.
Việt Nam là trung tâm của một trong những khu vực thịnh vượng nhất trên thế giới. Bây giờ là lúc cho một Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương và bao gồm cả trung tâm tài chính tương lai tại TP.HCM.
*Giám đốc Quốc gia Friedrich Naumann Foundation (FNF) Vietnam