Khác hẳn với giai đoạn trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc vắng bóng tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Thời kỳ ảm đạm chưa qua
Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có điểm khác biệt so với việc mở cửa trở lại của các quốc gia khác. Ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, người dân đã được tiêm vắc-xin khá đầy đủ, vì vậy, việc mở cửa trở lại của các quốc gia này có độ an toàn cao.
Trong khi đó, chiến lược của Trung Quốc tập trung vào việc xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại nhiều hơn là tiêm chủng đại trà. Việc miễn cưỡng cấp phép sử dụng vắc-xin nhập khẩu cho người dân cho thấy chính quyền vẫn tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan virus là chính, với hy vọng virus cuối cùng sẽ trở nên ít nguy hiểm hơn so với trước đây.
Dù còn ít minh chứng, song dân chúng Trung Quốc đang tìm cách tự bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình bằng cách tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế. Các chỉ số về hoạt động sản xuất đang trên đà đi xuống do dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng công nhân làm việc tại các nhà máy, kho hàng và các đơn vị giao hàng. Đồng thời, các yếu tố này cũng kéo nhu cầu nói chung về dịch vụ, tiêu dùng của toàn xã hội đi xuống.
Chỉ số quản lý sức mua của Trung Quốc, bao gồm các chỉ số về lĩnh vực dịch vụ và hoạt động xây dựng, đã giảm xuống 41,6 trong tháng 12/2022. Việc chỉ số này giảm xuống dưới 50 cho thấy sự thu hẹp sản xuất. Sau sự suy giảm được thể hiện trong quý IV/2022, nhiều khả năng nền kinh tế tiếp tục suy yếu thêm trong quý đầu tiên của năm 2023.
Tăng trưởng phục hồi chậm
Triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc là ảm đạm, nhưng tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục. Hàng triệu người tiếp tục mắc bệnh, nhưng miễn dịch cộng đồng dần chiếm ưu thế và hoạt động kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ. Trung Quốc sẽ học cách chung sống với virus như các quốc gia khác đã làm.
Việc mở cửa trở lại ở các quốc gia khác đã chứng kiến một giai đoạn “chi tiêu trả thù”, với việc người tiêu dùng háo hức mua sắm và sử dụng các khoản tiết kiệm tích lũy của họ. Trước việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích nhận thấy, sự phục hồi mạnh mẽ sẽ đi theo đồ thị hình chữ V từ giữa năm 2023, với sự dẫn đầu của mảng tiêu dùng cá nhân. Những nhà dự báo cũng đã điều chỉnh tăng các dự báo triển vọng và hiện nay, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4,7% vào năm 2023.
Thêm vào đó, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang được thực hiện cùng với những cải cách quan trọng. Đặc biệt, chính phủ nước này đã có các hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ được đối xử bình đẳng trước pháp luật, trong khi các chính sách công sẽ hỗ trợ tăng trưởng của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. Đây là sự phát triển đáng kể từ khi các chính sách này bắt đầu được thực hiện vào năm 2021.
Bên cạnh đó, mở rộng nhu cầu trong nước, cụ thể là nâng cao tiêu dùng và thu nhập của người dân, được ưu tiên hàng đầu trong 5 mục tiêu chính sách mà Trung Quốc đã đề ra. Một số chính sách tiến bộ đã mang lại các thay đổi đáng kể. Trong năm 2022, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng và chứng khoán của Trung Quốc cũng đã phê duyệt việc thành lập Ant Financial – công ty tài chính cho vay trực tuyến trực thuộc Ant Group để huy động thêm 1,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, sự thay đổi lập trường đang diễn ra theo hướng hỗ trợ các công ty nền tảng và thị trường ngay lập tức đã đáp lại bằng một đợt phục hồi trên diện rộng do các công ty thương mại điện tử như Alibaba và Pinduoduo dẫn đầu.
Việt Nam đáp ứng
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, do đó, sự tăng trưởng liên tục của Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với rất nhiều công ty Việt Nam. Một phần lớn thương mại song phương, khoảng 56 tỷ USD, đã được ghi nhận vào năm 2021, bao gồm các nguyên vật liệu đầu vào được sử dụng trong chuỗi cung ứng, như linh kiện điện tử.
Việc Trung Quốc trở lại hoạt động bình thường sẽ thúc đẩy nhu cầu này giữa hai nước. Song song với đó, nhu cầu với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, như nông sản và hải sản, sẽ tăng vọt khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu.
Nhờ mở cửa trở lại, hàng triệu khách du lịch Trung Quốc sẽ quay trở lại Bangkok, Hà Nội, Paris và Phuket. Sự trở lại của du khách từ Trung Quốc là hy vọng lớn cho các “điểm nóng” du lịch này. Trước đại dịch, nguồn khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của khối khách sạn và dịch vụ giải trí, cũng như doanh số bán hàng xa xỉ tại các trung tâm mua sắm.
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc sẽ là một sự kiện lớn với nền kinh tế thế giới vào năm 2023. Song, là một nhà nhập khẩu lớn hàng hóa, sự phục hồi của Trung Quốc một lần nữa sẽ đẩy giá dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại và thực phẩm toàn cầu lên cao.
Thay vì dừng tăng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh sẽ phải trì hoãn nới lỏng tiền tệ. Lãi suất cao do các ngân hàng trung ương này đặt ra dễ gây khó khăn cho các nền kinh tế thị trường mới nổi như Việt Nam.
Các vấn đề này sẽ làm tăng chi phí trả nợ của chính phủ và những doanh nghiệp đi vay và cũng khuyến khích dòng vốn ở các nền kinh tế tiên tiến quay trở lại thị trường. Điều này có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi, thể hiện qua sự mất giá nhanh chóng, mặc dù chỉ là tạm thời, của VND tính theo USD vào cuối năm 2022.