Nội dung thứ tư trong kỳ họp bất thường lần thứ 2 là vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước |
Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương
Nội dung thứ tư trong kỳ họp bất thường lần thứ 2 là vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về nội dung này, cho biết, tại Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về phân bổ NSTW năm 2022, Quốc hội đã quyết nghị tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 là 28.636,7 tỷ đồng.
Trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng, dự toán vay chi tiết theo từng địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8/2022, có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 01 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.
“Trên cơ sở rà soát sơ bộ, ước thực hiện dự toán vay lại các địa phương không sử dụng hết năm 2022 là 1.547,8 tỷ đồng, số đề nghị trả nợ trước hạn là 33,7 tỷ đồng, thì việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2022 của các địa phương như trên, tổng mức vay và mức bội chi của ngân sách địa phương vẫn nằm trong hạn mức đã được Quốc hội cho phép”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo.
Cụ thể, dự toán vay của các địa phương là 27.314,9 tỷ đồng (giảm 1.321,8 tỷ đồng), bội chi NSĐP là 23.842,7 tỷ đồng (giảm 1.339,1 tỷ đồng) và không địa phương nào vượt hạn mức dư nợ cho phép theo Luật NSNN.
Trên nguyên tắc đảm bảo tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật NSNN, đồng thời để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn NSTW bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng.
Cụ thể, Bắc Kạn tăng 33,7 tỷ đồng, Phú Thọ tăng 7,3 tỷ đồng, Yên Bái tăng 55,7 tỷ đồng, Hải Dương tăng 83,8 tỷ đồng, TP. Hải Phòng tăng 20,2 tỷ đồng, Nam Định tăng 22,1 tỷ đồng, Bắc Giang tăng 3,2 tỷ đồng.
Tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn. UBND tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn trả nợ trước hạn phù hợp với quy định.
Chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.
Giao UBND 7 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.
Bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài
Về nội dung này, Bộ trưởng báo cáo, khi trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2020, Chính phủ đã báo cáo số vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài đã tiếp nhận từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa được bố trí dự toán để quyết toán theo quy định là 1.431,4 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan |
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020. Theo đó, Quốc hội đã chấp thuận quyết toán số vốn 599,3 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ số hoàn trả lại nhà tài trợ (1,8 tỷ đồng), còn lại chưa được quyết toán là 830,3 tỷ đồng.
Đến nay qua tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, trong số 830,3 tỷ đồng, số kinh phí đủ điều kiện quyết toán năm 2021 là 276,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua rà soát, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo phát sinh một số khoản viện trợ khác từ năm 2019 trở về trước đã được các cơ quan tiếp nhận, không nằm trong khoản viện trợ 830,3 tỷ đồng nêu trên, đã chi tiêu, đủ điều kiện quyết toán, nhưng thiếu dự toán là 115,6 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn viện trợ thực nhận từ năm 2020 trở về trước, đã chi tiêu và có nhu cầu bổ sung dự toán năm 2021 là 391,9 tỷ đồng.
Đối với các khoản viện trợ phát sinh năm 2021, theo Bộ trưởng, chủ yếu là viện trợ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận.
Sau khi có ý kiến thẩm tra của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021 là 14.321,6 tỷ đồng,
“Tóm lại, thực hiện quy định của Luật NSNN, trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, để có cơ sở hạch toán đầy đủ vào NSNN và quyết toán số vốn viện trợ phát sinh đã tiếp nhận và sử dụng, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỷ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là 3.353,1 tỷ đồng”, Bộ trưởng báo cáo.
Liên quan đến nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chính phủ trình Quốc hội giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng (trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng) và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính (trong đó, TCT là 1.134,8 tỷ đồng, của TCHQ là 1.133,5 tỷ đồng).
Đồng thời cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của TCT và TCHQ, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.