Dự án cảng quốc tế Cần Giờ hiện đang được liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới – Mediterranean Shipping Company (MSC) lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Phối cảnh dự kiến cảng container trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. TP.HCM. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án vừa được hoàn thành. Nhà đầu tư cố gắng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.HCM trong quý I/2023.
Kế hoạch đề ra dự kiến thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024, hoàn thành khai thác vào năm 2027.
“Chúng tôi kỳ vọng việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển”, ông Cường nói về sự kỳ vọng của cảng Cần Giờ.
Hiện nay, vấn đề xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tác động thế nào đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không đang là vấn đề được dư luận quan tâm và cần sự giải đáp của nhà đầu tư.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast cho biết, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm trong vùng chuyển tiếp trên hai cù lao cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển bằng sông Thêu nên khá biệt lập, ít ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Hơn nữa, cảng vận chuyển container chủ yếu bằng đường sông và đường biển, không đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối nên giảm tác động đến môi trường. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược MSC cam kết xây dựng theo mô hình cảng xanh, cảng tự động, ít phát thải ra môi trường.
“Trong quá trình thực hiện, các đơn vị xây dựng sẽ đánh giá tác động môi trường, có tham vấn, báo cáo UNESCO để tìm ra những giải pháp xây dựng, vận hành giảm thiểu tối đa các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn nhấn mạnh, lợi ích mà cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang lại chính là thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong. Đồng thời, đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.
Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045, trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2027.