Cửa khẩu Bắc Luân II có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh Ảnh: Thanh Tân |
Điểm hội tụ
Với trục cao tốc dài gần 176 km chạy dọc tỉnh Quảng Ninh, thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long chỉ còn 1 giờ 30 phút, từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ. Thời gian di chuyển được rút ngắn đã kéo gần lại những khoảng cách về địa lý. Bạn bè ở muôn phương đã dễ dàng hội tụ tại nơi vùng biên viễn. Sức hấp dẫn của Móng Cái – hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cũng vì thế mà tăng lên theo cấp số nhân.
Không thể tin, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (2/9) năm 2022, Móng Cái đã đón lượng khách bằng cả nửa năm 2019 (khoảng 150.000 lượt khách). Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ, mọi khu chợ, trung tâm thương mại, mọi điểm du lịch của Thành phố đều chật kín du khách. Đây quả là những tín hiệu đáng mừng.
Việc cao tốc Vân Đồn – Móng Cái kết nối trực tiếp với đường dẫn cầu Bắc Luân II được hoàn thành cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, đưa Móng Cái thành điểm hội tụ dòng vốn đầu tư mới của tỉnh Quảng Ninh. Ngay tại khu vực Cửa khẩu Bắc Luân II (Cửa khẩu quốc tế Móng Cái), hai bên đường dẫn đang là dự án đại đô thị do Tập đoàn Vingroup triển khai.
Tại đây, theo ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái, có 1 dự án được coi là điển hình trong hợp tác công – tư của Móng Cái đang được triển khai là Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, gắn với khu thương mại dịch vụ tại phường Hải Hòa (giai đoạn I). Dự án này được thực hiện bởi liên danh giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương (thành viên đứng đầu liên danh) với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.
– Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Đại Dương cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 542 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng và tái định cư là hơn 128 tỷ đồng.
Theo đó, dọc theo tuyến đường chính nối lên cầu Bắc Luân II, phía trước toà Quốc môn sẽ là khu vực kiểm tra, giám sát đối với phương tiện xuất và nhập cảnh – địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu; khu vực kho bến bãi cho thuê tập kết hàng chờ xuất nhập khẩu; bãi đỗ xe cá nhân cho khách vào làm thủ tục xuất nhập cảnh. Dọc tuyến đường giao thông trục chính được mở rộng cùng khu vực nhà làm việc, khu cách ly, kiểm dịch y tế của Cửa khẩu Bắc Luân II sẽ là các khối nhà cao 1-3 tầng được thiết kế hiện đại và đồng nhất với kiến trúc của tòa Quốc môn.
Công trình này có vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát công suất xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Mục tiêu của Móng Cái không chỉ dừng ở đây, trong tương lai, khu vực này sẽ còn có những khu thương mại dịch vụ, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu trạm dừng chân và cửa hàng miễn thuế, bởi khu vực lập quy hoạch dự án này nằm trong Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) đang được tỉnh Quảng Ninh đề xuất thành lập.
Viễn cảnh một khu đô thị, dịch vụ, thương mại sầm uất nơi Cửa khẩu Bắc Luân II không còn xa.
Phối cảnh Dự án Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II |
Mở hướng tương lai
“Móng Cái đã có hệ thống cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan rất thuận tiện như: Bắc Luân I, Bắc Luân II, Cửa khẩu Ka Long, điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm, Đại Vai, Lục Chắn, Cảng cạn ICD, lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, lối mở Pò Hèn… Tuy nhiên, các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu chưa nhiều”, ông Nguyễn Văn Thành băn khoăn.
Hiện tổng diện tích hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hóa của Móng Cái chỉ khoảng 130.000 m2; 13 kho lạnh đạt tiêu chuẩn đáp ứng trên 2.500 container 40 feet, tương đương 50.000 tấn hàng hóa.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, vẫn có những lúc hàng trăm xe container chở hàng nông sản bị mắc kẹt tại nhiều cửa khẩu chính ngạch giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ùn tắc có khi đến cả tuần, hàng hóa hỏng phải đổ bỏ thật xót xa. Đặc biệt, trong 2 năm 2021 – 2022, phía Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến các hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương tại cặp cửa khẩu Đông Hưng – Móng Cái nhiều lần bị tạm dừng, từ đó làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Những giải pháp tức thì đã được chính quyền TP. Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh đưa ra, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong điều tiết hoạt động của mình. Song đó chỉ là những giải pháp tình thế. “Để Móng Cái có thể phát huy được lợi thế và khẳng định là một trong hai mũi đột phá của tỉnh Quảng Ninh, cần phải có thêm những công trình, dự án có tính động lực như Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cụm công trình hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II”, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết.
Tin mừng là TP. Móng Cái đã được tỉnh Quảng Ninh giao trách nhiệm thực hiện Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản châu Á – Thái Bình Dương, với quy mô vốn đầu tư khoảng 2.760 tỷ đồng. Trung tâm này có tính chất như một chợ đầu mối để tập kết, giao dịch hoa quả, nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc thông qua Cửa khẩu Đông Hưng, với lượng hàng hóa thông quan hơn 3 triệu tấn/năm, tương đương 8.220 tấn/ngày. Không những thế, Trung tâm còn giúp hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp nếu trong trường hợp hàng hóa nông, lâm, thủy sản đã vận chuyển, tập kết trên địa bàn Móng Cái mà không xuất được sang Trung Quốc có thể lưu giữ, bảo quản tại đây.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Móng Cái cho biết: “Những năm qua, việc duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đặc biệt, trong quan hệ với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên đã hợp tác toàn diện với mọi cấp, mọi ngành, trên cả bình diện song phương, đa phương, trở thành kiểu mẫu trong quan hệ cấp địa phương hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc”.
Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa biên giới đường bộ với Trung Quốc qua Móng Cái không biến động nhiều dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố đạt 3,5 tỷ USD, đóng góp thu ngân sách là 1.650 tỷ đồng.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành mong muốn nhiều hơn nữa. “Hiện chủng loại mặt hàng và sản lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu chính ngạch tại Móng Cái chưa đa dạng. Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái vẫn chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, hàng đông lạnh; điện thoại di động; bông, vải sợi… Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, mở rộng chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch, tăng sản lượng thông quan, thì phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, cũng như tăng cường đầu tư về hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu”, ông Thành khuyến nghị.
Nếu làm được điều này, những doanh nghiệp làm dịch vụ như Công ty Tân Đại Dương chắc chắn sẽ có cơ hội được đóng góp tốt hơn cho ngân sách TP. Móng Cái.