Năm 2022 đạt nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 diễn ra sáng nay (3/1), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, ông có nêu mong muốn và chúc Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021. Hội nghị đã vỗ tay tỏ ý đồng tình, ủng hộ rất mạnh mẽ, với quyết tâm và khí thế rất cao.
Giờ đây, khi tổng kết đánh giá, nhìn lại năm 2022, Tổng Bí thư nhìn nhận: “Năm 2022 chúng ta đã cơ bản đạt được điều mong ước và lời chúc đó”.
Theo Tổng Bí thư, sự đồng thuận cao với phát biểu của ông thể hiện qua tràng pháo tay “rất dài và rất vang” “không phải là tự cao tự đại, tự mãn, tự khen nhau, mà là sự thật, đúng với thực tế đã diễn ra và phù hợp với sự nhìn nhận, đánh giá của bạn bè quốc tế, không khí phấn khởi trong nhân dân mà qua quan sát, nhất là qua tiếp xúc với cử tri và một số bè bạn nước ngoài tôi cảm nhận được”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay.
Cụ thể, thị trường tài chính – tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm so với cùng kỳ. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân,… hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục.
Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Việc phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, chưa quyết liệt, thậm chí còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao…
Loại bỏ tư tưởng bàn lùi
Nhấn mạnh năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể là cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.
Đồng thời, cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.
Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về văn hóa, xã hội, Tổng Bí thư yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; khẩn trương xử lý, khai thông việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp…
Cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tổng Bí thư khẳng định, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh.