Chuyển từ lãi sang lỗ trong quý IV/2022
Trong quý IV/2022, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.172,34 tỷ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 17,36 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 9,37 tỷ đồng, tức giảm tới 26,73 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 135,22 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận âm 17,31 tỷ đồng, tức tăng 152,53 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 37,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 3,32 tỷ đồng lên 12,16 tỷ đồng; chi phí tài chính ghi nhận 43,71 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận âm 86,33 tỷ đồng, tức chi phí tài chính tăng thêm 130,04 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 106,1%, tương ứng tăng thêm 58,9 tỷ đồng lên 114,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù không còn kinh doanh dưới giá vốn so với cùng kỳ nhưng do chi phí tài chính tăng đột biến, cùng với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao dẫn tới Công ty vẫn ghi nhận lỗ trong quý cuối của năm 2022.
Tisco cho rằng nguyên nhân lỗ trong quý IV do giá cả nguyên vật liệu đầu vào như phôi thép, than, xăng dầu … biến động khó lường, thị trường thép gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản suy thoái, tình hình giải ngân đầu tư công chậm, xuất khẩu thép suy yếu.
Lũy kế trong năm 2022, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 11.697,41 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 9,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 122,41 tỷ đồng, tức giảm 131,87 tỷ đồng.
Năm 2022, Tisco đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ; song lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42%. Như vậy, với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5,91 tỷ đồng trong năm 2022, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch năm, chỉ đạt 6,6% kế hoạch năm.
Dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ năm 2016
Không những kết quả kinh doanh lao dốc, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Tisco còn ghi nhận âm 341,7 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận dương 397,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 31,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận 221,4 tỷ đồng.
Được biết, từ năm 2016 tới nay, Công ty chỉ ghi nhận âm dòng tiền một năm duy nhất là năm 2018 với giá trị âm 56,02 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2022 với dòng tiền kinh doanh âm 341,7 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ năm 2016 tới nay.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tisco giảm 1,4% so với đầu năm, về 10.183,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 6.274,7 tỷ đồng, chiếm 61,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.760,2 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.238,8 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Cơ cấu tồn kho của TIS tới 31/12/2022. |
Về cơ cấu tồn kho tới cuối năm 2022, Tisco cho biết chủ yếu là 1.342,1 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 404,9 tỷ đồng thành phẩm và các tồn kho khác.
Tisco thuyết minh tài sản dở dang dài hạn chủ yếu là công trình cải tạo Gang thép giai đoạn II ghi nhận 6.267,98 tỷ đồng. Được biết, công trình cải tạo Gang thép giai đoạn II với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104,91 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban lãnh đạo Công ty cùng Công ty mẹ tổng Công ty thép Việt Nam – CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tisco tăng 6,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 280 tỷ đồng lên 4.602,4 tỷ đồng. Trong đó, 2.899,4 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 1.703 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Tính tới 31/12/2022, cơ cấu cổ đông của Tisco gồm Tổng Công ty Thép Việt Nam sở hữu 65% vốn điều lệ; Công ty Thái Hưng sở hữu 20% vốn điều lệ; 14,99% thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ; và còn lại 0,01% là cổ phiếu quỹ.
Kiểm toán nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Tisco
Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, kiểm toán đã đưa ra hai vấn đề ngoại trừ:
Trong đó, vấn đề đầu tiên là dự án mở rộng Gang thép giai đoạn hai được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài hơn với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án. Do vậy, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến các khoản mục như trả trước cho người bán dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, phải trả cho nhà cung cấp, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án …
Thứ hai, Công ty đã trích lập dự phòng liên quan đến chênh lệch tỷ giá tương ứng với mức 50% số lũy kế chênh lệch tỷ giá của Dự án được phản ánh lũy kế riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán tới 31/12/2020. Tuy nhiên, việc ghi nhận này không có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nếu Công ty thực hiện ghi nhận theo công văn 15172/BTC-TCDN ngày 26/10/2015 của Bộ Tài Chính thì số liệu so sánh 6 tháng đầu năm 2021 sẽ có thay đổi khi chi phí tài chính giảm 75,4 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 10,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 64,81 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 3.137,86 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề khác, kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tisco.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/1, cổ phiếu TIS tăng 100 đồng lên 5.100 đồng/cổ phiếu.