Năm 2022 là một năm buồn cho điện gió Việt Nam, dù lĩnh vực này vẫn được các tập đoàn lớn cả trong nước và quốc tế quan tâm cao độ. |
Năng lượng tái tạo: Sóng gió làm nản lòng nhà đầu tư
Trái với vui mừng về việc bùng nổ đầu tư và đạt công suất khủng 16.567 MW điện mặt trời ở thời điểm ngày 1/1/2020, hay 4.667 MW điện gió ở thời điểm ngày 1/11/2021 (chỉ tính các dự án được coi là đủ điều kiện vận hành thương mại), năm 2022 lại không có bất cứ dự án năng lượng tái tạo nào được đưa vào vận hành.
Thực tế đó không phải do các nhà đầu tư đã chán năng lượng tái tạo và chuyển hướng dòng tiền sang các lĩnh vực khác. Sự tĩnh lặng này là do không có chính sách cụ thể và rõ ràng nào được đưa ra cho việc phát triển năng lượng tái tạo nói riêng, năng lượng nói chung trong 2 năm trở lại đây.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, điện gió tại Việt Nam có khởi đầu khá chậm chạp và thiếu sức sống dù tiềm năng rất lớn. Cụ thể, sau 9 năm có Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về chính sách ưu tiên cho phát triển điện gió, đến cuối năm 2020, mới có chưa đầy 500 MW điện gió được nối lưới và dự án tiên phong đã bị cầm cố ngân hàng.
Năm 2021 được coi là năm bùng nổ của điện gió tại Việt Nam, với gần 4.000 MW lắp đặt mới, tạo nên kỳ tích của khu vực và thế giới trong bối cảnh Covid-19 càn quét khắp mọi nơi, tàn phá mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và việc phong tỏa, cách ly đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển và lắp đặt thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng.
Tuy nhiên, năm 2022 lại là một năm buồn cho điện gió Việt Nam, dù được các tập đoàn lớn cả trong nước và quốc tế quan tâm cao độ và mong muốn đầu tư sau thành công của năm 2021. Một trong những nguyên nhân được ông Thịnh chỉ ra là, theo thống kê của Hội Điện gió toàn cầu, năm 2022, tốc độ gió toàn cầu thấp hơn 10-15% so với bình quân 30 năm do biến đổi khí hậu, khiến rất nhiều nhà máy điện gió ở Việt Nam không đạt kế hoạch sản lượng.
Theo dõi của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) trong một năm vận hành của 4.667 MW điện gió cũng cho thấy, công suất phát điện gió không những chỉ biến động theo mùa gió, mà còn biến động hàng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày. Không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW, tương đương 50% tổng công suất điện gió. Thậm chí, ngày 19/3/2022, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn 15 MW và ngày 18/12/2022 mới đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay là 3.386 MW.
Ở điện mặt trời, tình hình còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên do là cả nước chung một múi giờ, nên điện mặt trời sẽ cùng lên, cùng xuống một thời điểm với công suất đang chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống. Do không có hệ thống pin lưu trữ, nên sự tham gia của điện mặt trời bị phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết khiến hệ thống điện gặp phải thách thức lớn khi muốn đáp ứng đồng thời mục tiêu huy động tối đa năng lượng tái tạo “trời cho” và sự ổn định của hệ thống trong điều kiện thừa nguồn lớn như hiện nay.
“Sự hào hứng của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo còn đang bị thử thách khi chính sách cho phát triển điện gió đã chấm dứt vào ngày 31/10/2021 hay ngày 31/12/2020 với điện mặt trời các loại, nhưng chưa có chính sách nối tiếp. Khoảng trống chính sách đang làm nản lòng các nhà đầu tư, nhất là tại các dự án bị trễ thời hạn trên đang nằm “đắp chiếu” hơn một năm nay, làm tổn hại rất lớn về cả tài chính lẫn chất lượng thiết bị”, ông Thịnh nhận xét.
Cùng với đó là thực tế nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế vẫn ở mức thấp và đường truyền tải gặp khó khăn trong quá trình xây dựng bởi vướng đền bù, việc phải cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo diễn ra thường xuyên, thậm chí có những nhà máy bị cắt giảm bình quân lên đến 20% công suất. Việc điện mặt trời đối mặt với chuyện rà soát lại khi nhiều dự án không đủ hồ sơ theo yêu cầu tại thời điểm bắt đầu bán điện nhận tiền cũng đang làm nản lòng các đầu tư năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi đang đón nhận sự quan tâm của các “đại bàng” trên thế giới, đồng thời nhiều doanh nghiệp chờ mong có chính sách để tiếp tục triển khai điện mặt trời mái nhà nhằm đạt chứng chỉ xanh khi xuất hàng sang các thị trường phát triển, ông Thịnh thẳng thắn cho rằng, “đại bàng có ở lại làm tổ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư của chúng ta”.
Điện khí: Lúng túng không ai muốn giải
Các nhà đầu tư của Dự án LNG Hải Lăng mới đây đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ duy trì tiến độ của Dự án trong Quy hoạch Điện VIII, hỗ trợ nhà đầu tư khi đàm phán với Chính phủ sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi.
Sở dĩ có đề nghị này là bởi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII chỉ xem xét phát triển quy mô công suất 1.500 MW tại Hải Lăng, chưa xem xét các giai đoạn sau…, nên cần thiết phải xem xét điều chỉnh mặt bằng, diện tích đất phù hợp với quy mô công suất, điều chỉnh các cơ sở pháp lý đã đạt được để có cơ sở phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Dự án LNG Hải Lăng đã làm lễ khởi công hợp phần kỹ thuật vào tháng 1/2022 sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn I vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, quy mô công suất 1.500 MW, tiến độ vận hành năm 2026-2027. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Do Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, nên phương án đấu nối chưa thể xác định, nếu kéo dài chuyện này, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thỏa thuận đấu nối và các thỏa thuận chuyên ngành điện. Đồng thời, các bên chưa xác định được trách nhiệm đầu tư đường dây truyền tải (Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay nhà đầu tư), cũng như sự đồng bộ trong quá trình triển khai nhà máy điện và đường dây truyền tải.
Dự án LNG Hải Lăng chỉ là một trong số rất nhiều dự án điện khí LNG đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh trước đó, nhưng tới giờ vẫn chưa nhìn thấy ngày khởi công nhà máy chính, chưa nói tới thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành. Cả 16 dự án điện khí LNG có kế hoạch phát triển tới năm 2030 có cùng dòng ghi chú “khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện và thu xếp vốn thực hiện dự án”.
Với các dự án IPP (dự án đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực) có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài gồm Bạc Liêu của DOE, Long An 1&2 của Liên danh VinaCapital và GS Energy, Quảng Trị của Liên danh T&T và Tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc, rủi ro thường gặp được Bộ Công thương nhắc tới là tổ chức cho vay vốn đưa ra yêu cầu bảo lãnh ngặt nghèo của Chính phủ, nhiều khi vượt quá khung khổ pháp lý hiện hành.
Đơn cử, Dự án LNG Bạc Liêu được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 1/2020, nhưng tới nay, gần 3 năm trôi qua mà vẫn chưa biết bao giờ có thể kết thúc đàm phán các hợp đồng liên quan, cũng như xử lý xong các câu hỏi mà nhà đầu tư đưa ra và đã được tập hợp gửi Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ hồi tháng 9/2021.
Việc tới nay chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý các kiến nghị này để phá rào cản cũng cho thấy thực tế là, nếu Dự án LNG Bạc Liêu không thông, toàn bộ các dự án điện khí LNG có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng sẽ gặp trở ngại tương tự. Như vậy, không thể hy vọng có dự án nào phát điện được ở năm 2028 như kỳ vọng hiện nay.
Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng chờ cơ chế
Phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển và chiến lược phát triển năng lượng xanh của Việt Nam, song vào thời điểm này, “cuộc đổ bộ” khảo sát điện gió ngoài khơi đã khiến cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này trở nên bị động về chiến lược và kế hoạch.
Tới hết tháng 8/2022, cơ quan chức năng đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, với tổng công suất trên 100.000 MW. Trong số này, có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, hiện còn 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư trong nước được gửi tới UBND các địa phương có biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 10 điểm được cho là “chưa có quy định” hoặc “còn nhiều cách hiểu khác nhau” ở cả mặt pháp lý lẫn góc độ kỹ thuật xung quanh việc khảo sát điện gió ngoài khơi. Bởi “chưa có quy định”, “chưa đồng nhất quan điểm”, nên trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tạm dừng triển khai. Đây cũng là lựa chọn dễ nhất lúc này, vì nếu thực hiện những điều mà “pháp luật chưa quy định rõ”, thì rất khó tránh khỏi những rủi ro pháp lý có thể xảy ra về sau.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của nhóm tư vấn được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam chỉ ra 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi, thì Chính phủ “đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”, có thể hóa giải những quan ngại của nhà đầu tư, cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Song đáp án cho câu hỏi làm thế nào và bao giờ có khung pháp lý rõ ràng cho dự án điện gió ngoài khơi lại chưa xác định được. Trong khi đó, muốn các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động vào năm 2030, thì công tác chuẩn bị phải được triển khai quyết liệt, khoa học từ 6-8 năm trước.
Chỉ khi có khung pháp lý rõ ràng, công tác chuẩn bị cẩn thận, thì mới kỳ vọng biến tiềm năng điện gió ngoài khơi thành năng lượng xanh, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero (phát thải bằng 0) của Việt Nam vào năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).