Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023
Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch của các cấp, các ngành, nhất là kết quả của “Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”; dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, là tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và du lịch, góp phần quan trọng vào việc thực hiện toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định; các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tăng cường kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch. |
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao nhưng miễn dịch do tiêm vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian; thời gian giao mùa, chuyển mùa Đông – Xuân, cùng với việc nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian tới, nhất là trong các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân năm 2023.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động giao thương, du lịch và mùa lễ hội đầu năm 2023, vừa bảo đảm phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả; đồng thời tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi, phát triển kinh tế và xã hội, tận dụng tối đa các cơ hội giao thương, thu hút khách du lịch, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu:
Các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/12/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế tiếp tục thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời thời hướng dẫn trong trường hợp cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là với dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa đông xuân; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động, sự kiện dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2023 đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công thương, Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và lưu thông hàng hóa trong thời gian Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm để người dân được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh; đồng thời tiếp tục bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giao thương, du lịch.
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường thông tin truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn, rửa tay sạch,…; thực hiện nghiêm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh.
Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện sớm các biến thể của vi rút SARS-CoV-2.
Tập trung chỉ đạo và tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; thường xuyên rà soát để đảm bảo các nhóm nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch,… được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Tiếp tục đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình và kịp thời xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về những vấn đề quan trọng, cấp bách, mới phát sinh để thống nhất chỉ đạo xử lý.
Chương trình “Chợ Tết 0 đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn”
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa phối hợp cùng Công ty Coca-Cola Việt Nam tổ chức chương trình “Chợ Tết 0 đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn”.
Sự kiện được tổ chức từ ngày 6/1/2023 đến ngày 12/1/2023. Trong đó, đại diện các gia đình được hỗ trợ sẽ nhận voucher mua sắm trị giá 1 triệu đồng tại “Chợ Tết 0 đồng”, và sẽ tự do chọn lựa những sản phẩm cần thiết cho gia đình mình.
Chương trình tổ chức các hoạt động vui Tết như: Cắt tóc miễn phí, tặng chữ thư pháp, thi gói bánh Chưng, bánh Tét, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe và các trò chơi dân gian.. Đem lại sự hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần ý nghĩa đối với những hoàn cảnh khó khăn, phần nào giúp các gia đình đón một cái Tết với mâm cơm đoàn viên.
Chương trình đã trao nhiều phần quà ý nghĩa cho 3000 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố: TP.Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Bình Dương vào dịp Tết 2023 .
Ngoài ra, thông qua Quỹ “Tết nhân ái”, hơn 2.000 bánh chưng sẽ được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thay mặt Coca-Cola gửi tặng học sinh sinh viên, người vô gia cư, lao động tự do xa nhà không thể về quê ăn Tết tại TP.HCM và Hà Nội.
Phong trào “Tết Nhân ái” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà – Vui Tết”, trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Các hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có.
Long An: Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS
Sở Y tế tỉnh Long An vừa tổ chức Hội nghị khởi động dự án EPIC (tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam) năm 2023.
Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) là Dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR). Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 01/1/2020 đến 30/9/2024). Long An là một trong 6 tỉnh/thành phố ưu tiên được chọn triển khai dự án.
Phát biểu tại hội nghị khởi động dự án, bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình Lao/HIV, US.CDC tại TP.HCM cho biết, US.CDC mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Long An để thực hiện định hướng chiến lược của PEPFAR nhằm chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
Theo đó, sẽ tập trung nhiều hơn vào đối tượng MSM trẻ và lực lượng lao động lưu động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực cốt lõi của hệ thống phòng, chống HIV từ tỉnh đến cơ sở; tận dụng các hệ thống HIV do PEPFAR hỗ trợ để sử dụng cho đa bệnh và lồng ghép các bệnh không lây, viêm gan, bệnh lây truyền qua đường tình dục vào các dịch vụ HIV…
Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các can thiệp truyền thống và triển khai mô hình mới nhằm tăng nhanh tốc độ tìm ca HIV mới chuyển gửi điều trị ARV, PrEP; triển khai điều trị Lao/HIV, viêm gan C và triển khai mới điều trị bệnh không lây nhiễm; cải thiện các kết quả còn hạn chế; triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng và ước tính quần thể nguy cơ MSM…
Nâng cao nhận thức K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), dịch vụ HIV/AIDS… cho các ngành, ưu tiên ngành giáo dục, khu công nghiệp và xét nghiệm thanh niên sơ tuyển nghĩa vụ quân sự bằng nguồn kinh phí huy động địa phương.
Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện thụ hưởng dự án, cùng ký kết hợp đồng trách nhiệm Dự án EPIC năm thứ 4 (01/10/2022-30/9/2023).