Dự kiến năm 2023 có 47 địa phương đạt công nhận loại trừ bệnh sốt rét
Năm 2022, ngành y tế nói chung và Viện Sốt rét -Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tác động của dịch Covid-19, khó khăn về cơ chế chính sách liên quan đến mua sắm, đấu thầu, cung ứng dịch vụ, kế hoạch kinh phí hoạt động được cấp và phê duyệt muộn đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng, côn trùng ở trung ương và địa phương.
Tuy nhiên năm 2022, Viện Sốt rét -Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, công tác phòng, chống sốt rét toàn quốc vẫn được khống chế tốt, ký sinh trùng sốt rét giảm nhẹ so với năm 2021. Toàn quốc có 456 trường hợp bệnh mắc sốt rét, giảm 2,4% so với năm 2021; không có trường hợp tử vong.
Đây là năm thứ 2 hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét chuyển sang hoạt động thường xuyên; Các cơ quan, địa phương chủ động bố trí ngân sách để thực hiện. Tình hình bệnh sốt rét tương đối ổn định, ký sinh trùng sốt rét giảm nhẹ so với năm 2021.
Nhân viên Trạm Y tế xã Mường Khiêng (Thuận Châu, Sơn La) tuyên truyền phòng, chống sốt rét cho nhân dân bản Khiêng. |
Bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Lai Châu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, gia tăng số trường hợp mắc.
Về công tác phòng chống ký sinh trùng và côn trùng, các bệnh ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng, gây tác hại lớn đến sức khỏe, tuy nhiên các bệnh ký sinh trùng thường có triệu chứng lâm sàng âm thầm nên chưa được người dân và xã hội quan tâm.
Điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn kém làm tăng các nguy cơ lây nhiễm bệnh và làm hạn chế hiệu quả của các biện pháp can thiệp phòng chống bệnh giun sán.
Chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, phòng chống véc tơ truyền bệnh sốt rét và bệnh sốt xuất huyết.
Đến hết năm 2022, có 42 tỉnh, thành phố đã công bố loại trừ sốt rét, cụ thể: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Cà Mau và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự kiến đến cuối năm 2023, có thêm 5 tỉnh: Điện Biên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh và Kiên Giang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của Viện, song tập thể viên chức, người lao động của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn để triển khai công tác và hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022 được Bộ Y tế giao, giữ vững sự phát triển của Viện, một số kết quả nổi bật là:
Tư tưởng cán bộ viên chức ổn định, tin tưởng vào sự đổi mới, phương hướng phát triển của Viện đã xây dựng; Tập thể đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ. Công tác thay đổi, chuyển giao Viện trưởng mới đảm bảo ổn định cơ quan.
Có 03 tiến sĩ và 05 thạc sĩ là cán bộ, viên chức Viện được công nhận năm 2022.
Kiểm soát tốt và giảm số ca mắc sốt rét trên toàn quốc, có 6 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét năm 2022, lũy tích có 42 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ được Bộ Y tế cấp phép và đi vào hoạt động chính thức; Đề án xếp hạng Bệnh viện Đặng Văn Ngữ được Bộ Y tế phê duyệt
Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; Huy động được nguồn tài trợ gần 14 triệu USD của Quỹ Toàn Cầu cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2024 – 2026.
Viện đã đào tạo, cấp bằng cho 10 tiến sĩ và tuyển 11 nghiên cứu sinh khóa XV năm 2022.
Viện đã xây dựng, sửa đổi 12 hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị ký sinh trùng được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt để triển khai trên toàn quốc.
Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ hoàn thành tổ chức đào tạo, công nhận tốt nghiệp cử nhân cao đẳng kỹ thuật xét nghiệm khóa đầu tiên.
Viện tiếp tục được công nhận đạt ISO 170.25 và được công nhận đạt ISO 15189 giai đoạn 2 từ năm 2022. Được Bộ Y tế tặng Cờ thi đua vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Hoàng Đình Cảnh – Viện trưởng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Viện đã đạt được trong năm qua. Viện trưởng mong rằng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tập thể Viện luôn luôn đoàn kết tiếp tục phát triển Viện trên cơ sở 5 lĩnh vực trọng tâm là nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo, khám, chữa bệnh và cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập thể lãnh đạo, viên chức đồng lòng khắc phục khó khăn, dịch bệnh hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch năm 2023.
Triển khai chiến dịch “Sẻ chia gánh nặng ung thư”
Quỹ Tấm lòng Việt, Báo Điện tử VTV News và Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt vừa tổ chức Lễ ký kết phối hợp tổ chức, triển khai chiến dịch “Sẻ chia gánh nặng ung thư”.
“Sẻ chia gánh nặng ung thư” là chiến dịch nhân đạo được tổ chức nhằm hỗ trợ những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được hóa trị, xạ trị miễn phí.
Ung thư là bệnh hiểm nghèo, đi kèm với quá trình điều trị phức tạp là gánh nặng lớn về kinh tế. Theo một ước tính, có khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư không đủ tiền mua thuốc điều trị trong vòng 12 tháng; 22% bệnh nhân không thể thanh toán chi phí đi lại; hơn 24% bệnh nhân phải vay mượn và gần 9% gia đình bệnh nhân phải bán đất đai, nhà cửa… Do đó, nếu được sàng lọc phát hiện sớm, được điều trị kịp thời, đầy đủ, những bệnh nhân ung thư có thể có cơ hội chiến thắng bệnh tật.
Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư. Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng chiếm khoảng 59,4% các loại ung thư. Nếu như năm 2016 có 165.000 trường hợp mắc mới ung thư thì đến năm 2018, con số này lên đến 182.000. Năm 2020, 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số 6.700 ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm./.
Khi tham gia chương trình, bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn, giảm tiền công khám, chi phí cận lâm sàng, chi phí tiền giường, chi phí thuốc, hóa chất và vật tư y tế, chi phí xạ trị và các bước chuẩn bị cho xạ trị, chi phí người nhà đi cùng (phòng, điện, nước).
Dựa trên thông tin đăng ký của bệnh nhân, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt và các địa phương sẽ phối hợp đánh giá hoàn cảnh của bệnh nhân. Nếu gia cảnh thực sự khó khăn, những bệnh nhân ung thư (kể cả bệnh nhân không có thẻ BHYT) sẽ được hỗ trợ hóa xạ trị miễn phí hoàn toàn.
Để được tư vấn chi tiết, người bệnh và người nhà xin vui lòng liên hệ: Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 1269 hoặc 0949 232 115.
Chương trình hy vọng có thể nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, lan tỏa thông điệp nhân đạo đến với thật nhiều những bệnh nhân ung thư để có thể giúp đỡ, hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được hóa trị, xạ trị miễn phí.
Nhân dịp này, đại diện Tập đoàn Lạc Việt, Quỹ Tấm lòng Việt – Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Điện tử VTV News trao quà Tết tặng các bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.
Các cơ sở khám chữa bệnh lên kế hoạch dự trù, dự trữ dịch truyền Albumin và Globulin
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn số 40/SYT-NVD gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, các cơ sở cung ứng, nhập khẩu về việc đảm bảo cung ứng dịch truyền Albumin và Globulin.
Sở Y tế yêu cầu đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với cơ sở cung ứng, nhập khẩu để ký hợp đồng mua sắm, tổ chức biện pháp chủ động thay thế dịch truyền Albumin, Globulin trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt nhằm đảm bảo kịp thời có đủ dịch truyền Albumin và Globulin phục vụ cho người dân trên địa bàn trong trường hợp cần thiết.
Đối với cơ sở cung ứng, nhập khẩu dịch truyền Albumin, Globulin, thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn cung tối đa đối với dịch truyền Albumin, Globulin. Ưu tiên cung ứng cho đơn vị có công văn đề nghị cung ứng và cho các đơn vị có báo cáo thiếu dịch truyền.
Có trách nhiệm tổng hợp dự trù của các cơ sở khám, chữa bệnh đã trúng thầu để lập kế hoạch và ký hợp đồng sớm với cơ sở sản xuất, cung ứng thuốc nhằm đảm bảo những cơ sở này chủ động trong việc sản xuất, cung ứng kịp thời cho thị trường Việt Nam, tránh thiếu dịch truyền Albumin và Globulin do ký hợp đồng muộn.
Sở Y tế TP.HCM thông báo cho các đơn vị biết và khẩn trương thực hiện. Nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị liên hệ Sở Y tế hoặc Cục Quản lý Dược để phối hợp giải quyết.