TP. HCM đã xuất hiện biến chủng phụ XBB của Omicron
Nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện trên 526 bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ ngày 1/7 – 25/12/2022. Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene. Các nhà nghiên cứu thu nhận 336 bộ gene SARS-CoV-2, chiếm 95% trong tổng số 353 mẫu được đem đi phân tích.
Kết quả định danh cho thấy, trong 6 tháng cuối năm 2022, TP.HCM lưu hành chủ yếu là biến thể Omicron, chỉ có một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022.
Ảnh minh hoạ |
Nhóm nghiên cứu cho biết, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (trong các tháng 7,8,9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm.
Kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể có 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%. XBB là biến thể phụ của Omicron hay còn gọi là chủng BA.2.10, được phát hiện trên thế giới từ tháng 8/2022. Sau đó, XBB đã phát triển thêm các biến thể phụ bao gồm XBB.1 và XBB.1.5.
Dựa vào diễn biến dịch Covid-19 thời gian qua và kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9, nhóm nghiên cứu nhận định, tình hình Covid-19 của TP.HCM đang được kiểm soát tốt. Qua đó, thể hiện vai trò của vaccine trong việc bảo vệ bệnh nhận nặng và tử vong.
Việc tầm soát biến thể của SARS-CoV-2 tiếp tục được nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho chương trình ứng phó đại dịch Covid-19 của TP.HCM.
Viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid tự điều trị cúm
Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một bệnh nhân bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid tự điều trị cúm, sau 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với oxy liều cao.
Bệnh nhân nữ 37 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm cúm từ 27/10 với biểu hiện sốt, ngứa họng, ho, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân. Bệnh nhân tự điều trị hạ sốt và corticoid (medrol 16mg/ngày). 3 ngày sau tình trạng không cải thiện, sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều, phải thở oxy sau đó thở máy.
ThS.BS Nguyễn Bá Cường – Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Khi vào Trung tâm, tình trạng bệnh nhân rất nặng nề, sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, oxy máu giảm rất thấp, X-quang phổi mờ trắng xóa cả 2 bên phế trường, test nhanh Cúm B dương tính. Điều đặc biệt là mặc dù nhiễm cúm nhưng tình trạng nhiễm vi khuẩn trên xét nghiệm rất cao kèm theo đó là số lượng bạch cầu giảm trầm trọng còn 0.750 G/L (Bình thường 4.0-10.0 G/L).
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng virus, thở máy và lọc máu hấp phụ. Soi phế quản có hình ảnh nhiều giả mạc lấp kín lòng phế quản 2 bên. Xét nghiệm PCR dịch phế quản: Cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng.
BS Nguyễn Bá Cường cho biết: Triệu chứng giảm bạch cầu rất hay gặp ở bệnh nhân nhiễm virus đặc biệt là nhiễm cúm và sốt xuất huyết (2 dịch bệnh đang lưu hành rộng rãi ở Việt Nam) làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Corticoid là thuốc chống viêm nhưng có tác dụng phụ là giảm sức chống đỡ của cơ thể. Việc lạm dụng thuốc này ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.
Bệnh nhân sau đó không đáp ứng với điều trị hồi sức, phải tiến hành can thiệp ECMO cấp cứu. Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với oxy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, bệnh nhân rất dễ nhạy cảm với các vi sinh vật trong bệnh viện và phải điều trị nhiều đợt kháng sinh, kháng nấm. Các bác sĩ đã phải nhiều lần hội chẩn trong khoa và liên khoa để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng diễn biến của bệnh.
Sau hơn 2 tháng nằm điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân được ra viện trong niềm vui của các thầy thuốc và gia đình. Tuy nhiên các tổn thương phổi sau đó có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài.
BS Nguyễn Bá Cường khuyến cáo: Việc lạm dụng corticoid diễn ra thường xuyên ở Việt Nam trong điều trị nhiễm cúm và các bệnh xương khớp (được trộn lẫn trong các thành phần thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc).
Theo các bác sĩ, thuốc phải được dùng đúng chỉ định và liều lượng. Hành động dùng bừa bãi làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn. Trong đợt dịch cúm và sốt xuất huyết năm nay, Trung tâm Hồi sức tích cực tiếp nhận rất nhiều các ca nhiễm virus nguy kịch, điều đặc biệt ở các ca này ngoài vấn đề nặng do nhiễm virus thì các bệnh nhân đều bội nhiễm thêm vi khuẩn đa kháng thuốc (tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, phế cầu…) dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Một số ca cần phải can thiệp ECMO dài ngày, mặc dù có thể sống sót nhưng cũng để lại hậu quản tổn thương lâu dài.
Vì thế, khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe, người dân nên đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. Không được tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc mua theo đơn cũ, theo lời mách bảo của người thân, người quen vì hậu quả sẽ là khôn lường.
Đảm bảo nhu cầu máu cung cấp cho các bệnh viện
Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hiến máu tình nguyện năm 2022 và phát động Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết – Lễ hội Xuân Hồng 2023.
Với thông điệp “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”, “Hiến máu đầu Xuân – Nhân lên hạnh phúc”, mục tiêu của Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết – Lễ hội Xuân hồng 2023 (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 28/2/2023) tiếp nhận 44.000 túi máu.
Lễ phát động đợt cao điểm vận động tiếp nhận HMTN diễn ra tại 2 địa điểm: Nhà Văn hóa Thanh Niên và Trường Đại học Tôn Đức Thắng, dự kiến tiếp nhận 1.000 đơn vị máu.
Gần 1.000 người là sinh viên, thanh niên tình nguyện đã có mặt tại hai địa điểm tổ chức ngày hội để hiến máu tình nguyện.
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP, cho biết, năm 2022 TP đã vận động và tiếp nhận được 244.934 túi máu (tương ứng 337.208 đơn vị máu), đạt trên 111 % chỉ tiêu năm 2022. Kết quả này đã đảm bảo được nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị cho hơn 150 bệnh viện trên địa bàn thành phố và hỗ trợ một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Dự kiến năm 2023, Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện TP.HCM tuyên truyền và tiếp nhận trên 220.000 đơn vị máu, với tỷ lệ túi 350ml – 450ml đạt 87%, đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị cho hơn 150 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, trong đợt cao điểm từ 15/12/2022 đến 28/2/2023, phấn đấu thực hiện tiếp nhận 44.000 đơn vị máu. Tiếp tục thành lập thêm một số điểm hiến máu Chữ thập đỏ tại khu vực, tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia hiến máu tại các khu vực xa trung tâm theo các ngày đã định trước.
Nhân dịp này, Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện thành phố tổ chức tuyên dương 17 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào Hiến máu tình nguyện thành phố từ 70 lần trở lên, vinh dự đón nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.