Do được thực hiện với các vết rạch da nhỏ, tổn thương ít thành bụng nên bệnh nhân rất ít đau sau mổ.
Bà Hoàng Thị K, 91 tuổi, phát hiện bị ung thư dạ dày và sức khỏe lại không được tốt, các con của bà K dự định chọn giải pháp chăm sóc giảm nhẹ để bà bình an đi nốt con đường chứ không muốn phẫu thuật vì sợ bà phải chịu thêm đau đớn.
Tuy nhiên, khi xin ý kiến mẹ mình, thì bà K lại bảo: Mẹ xem tivi, nghe đài, đọc báo nhiều nên biết Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng nhiều kĩ thuật tiên tiến trong phẫu thuật và đã cứu sống được rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.
Thể theo nguyện vọng của mẹ, ông Ngô Thanh S (con trai bệnh nhân) đã đưa mẹ đến khám tại Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi nội soi, chụp chiếu và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bà được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BV Trung ương Quân đội 108 |
Tại đây, các bác sĩ nhận định bệnh nhân K có chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đoạn dạ dày, nạo vét hạch. Với sự giúp sức của Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, qua 5 lỗ nhỏ trên thành bụng, kích thước từ 0,5 đến 1 cm, các phẫu thuật viên của Khoa phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy đã đưa camera và các dụng cụ nội soi tiếp cận, phẫu tích, bóc tách dạ dày và các mạch máu, hạch liên quan.
Sau khi đoạn dạ dày bị ung thư cùng mạc nối, hạch được cắt đi cả khối, mỏm dạ dày được nối với hỗng tràng cũng qua nội soi. Ca mổ kéo dài trong khoảng 3 tiếng và thành công đúng như dự kiến.
Chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, bà K đã có thể ăn cháo và đi lại nhẹ nhàng. Điều khiến gia đình bà K vô cùng bất ngờ là chỉ sau 5 ngày, sức khỏe của bà K khôi phục gần như bình thường.
TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy cho biết: Phẫu thuật nội soi ngày nay được sử dụng rỗng rãi để điều trị các bệnh lành tính và ác tính. Phẫu thuật nội soi hoàn toàn (nghĩa là toàn bộ các thao tác, kể cả các miệng nối đều được thực hiện qua nội soi) để điều trị ung thư dạ dày và đại tràng tuy là kỹ thuật khó, phức tạp nhưng đã trở thành kỹ thuật thường quy và đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với mổ mở nói chung và phẫu thuật nội soi hỗ trợ với miệng nối ngoài cơ thể nói riêng. Với những phương pháp này, sau khi nội soi cắt dạ dày hay đại tràng xong vẫn phải mở nhỏ thành bụng để đưa dạ dày, ruột ra ngoài ổ bụng thực hiện miệng nối.
Phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị ung thư dạ dày và đại tràng khi được thực hiện thành thạo sẽ là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn với vết mổ nhỏ, tỷ lệ biến chứng thấp (tỷ lệ biến chứng miệng nối; tắc ruột, thoát vị sau mổ thấp; hiệu quả hồi phục sau mổ cao).
Miệng nối được thực hiện trong cơ thể nên phần ruột lành được giữ ổn định tại chỗ, không bị co kéo làm tổn thương thành dạ dày, ruột và mạch máu nuôi miệng nối; không kéo bệnh phẩm qua vết mổ, có thể thực hiện đường mở nhỏ vừa đủ để lấy bệnh phẩm ở vị trí thẩm mỹ, ít nguy cơ thoát vị và nhiễm trùng, nếu kết hợp với phương pháp lấy bệnh phẩm qua đường lỗ tự nhiên thì sau mổ người bệnh gần như không có sẹo mổ, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh, nhất là với bệnh nhân trẻ tuổi, là nữ giới.
Cũng do phần ruột lành ít bị sang chấn, co kéo, thành bụng ít bị tổn thương sau phẫu thuật nội soi hoàn toàn mà người bệnh phục hồi rất nhanh sau mổ, lưu thông ruột trở lại rất sớm ngay sau mổ (nếu mổ phương pháp khác thì thường sau 3 ngày trở ra bệnh nhân mới có trung tiện trở lại), đau rất ít nên hô hấp không bị hạn chế, người bệnh có thể tập vận động sớm ngay sau mổ.
Phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị ung thư dạ dày, đại tràng phần lớn sử dụng dụng cụ ghim cắt thẳng hoặc máy nối tròn kết hợp với thao tác khâu tay để thực hiện miệng nối. Trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày, sau khi cắt đoạn dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch, mỏm dạ dày sẽ được nối trực tiếp với mỏm tá tràng hoặc nối với quai đầu hỗng tràng. Trường hợp cắt toàn bộ dạ dày thì phẫu thuât viên sẽ thực hiện miệng nối thực quản – hỗng tràng.
Với phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị ung thư đại tràng: sau khi đoạn đại tràng có u cùng toàn bộ mạc treo, hạch được cắt; miệng nối trong cơ thể được thực hiện theo kiểu bên – bên hoặc tận – tận chức năng. Các miệng nối trên có thể được thực hiện bằng dụng cụ ghim cắt nối, có thể kết hợp với khâu tay hoặc khâu tay toàn bộ tùy thuộc phẫu thuật viên và trường hợp cụ thể.
Cùng với các chương trình giảm đau, tăng cường hồi phục sớm sau mổ (ERAS), phẫu thuật nội soi hoàn toàn đã và đang góp phần làm thay đổi cục diện cuộc chiến của y học nói chung và ngoại khoa nói riêng chống lại căn bệnh ung thư tiêu hóa – một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất hiện nay.
Cảnh báo ngộ độc rượu dịp lễ, tết
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong dịp Tết Dương lịch 2023, đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu, trong đó có 2 trường hợp tử vong trước khi vào viện.
Trước thực trạng trên đã vang lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu quá mức, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần,…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thiện – Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc: Ngộ độc rượu có hai loại là ngộ độc Ethanol và ngộ độc Methanol, đa số các trường hợp là ngộ độc Ethanol.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Ngộ độc rượu diễn ra khi người bệnh uống rượu quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Với một số trường hợp ngộ độc do Methanol trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in…
Ngộ độc rượu có pha Methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc Ethanol. Sau một vài giờ uống rượu có Methanol, Methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các acid gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác.
Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ rội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…
Ngoài ra, lái xe khi đã uống rượu là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông, có những năm số lượng vụ tai nạn giao thông tăng đột biến, gây khó khăn cho việc cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Uống rượu cũng là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý mạch máu não, các loạn thần do rượu…
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nuôi dưỡng thành công bé sinh non nặng 500g
Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa công bố nuôi dưỡng thành công bé trai sinh non nặng 500g người nước ngoài ở tuổi thai 25.
PGS. TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đây là trường hợp đặc biệt, ca bệnh rất phức tạp và khó khăn nhất trong các ca sơ sinh, non tháng bệnh viện từng điều trị.
Mẹ của em bé là chị Bùi Ngọc Dung Jennie (34 tuổi) là người Canada gốc Việt, chồng là người Canada. Sản phụ trên từng nhiều lần sảy thai do bệnh lý tiền sản giật, 1 lần sảy thai ở tuần thứ 8, có 3 lần thai lưu từ tuần thứ 20-22 vì tiền sản giật.
Lần mang thai thứ 5 này chị Chị Bùi Ngọc Dung Jennie, khi thai 12 tuần quyết định về Việt Nam và điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và theo dõi thai tại Bệnh viện Vinmec. Khi thai sang tuần thứ 22, chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng phù nặng, tiền sản giật.
Các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Trung ương nhận định, đây là trường hợp khó, mẹ bị tiền sản giật xuất hiện khi có thai, trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng suy thai mạn tính. Đáng chú ý, tiền sản giật là một trong 5 tai biến của sản khoa.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng tiền sản giật, phù to. Các bác sĩ đã động viên bà mẹ, cố theo dõi, nếu để được đến 28-29 tuần thai thì tốt vì khả năng sống của trẻ tăng lên 3%/ngày nếu nằm trong bụng mẹ. Các bác sĩ đã theo dõi thai nhi hết sức chặt chẽ, đến khi trẻ được 25 tuần 6 ngày thì không thể cố được, nên mổ bắt thai.
Sau khi trẻ ra đời, cháu bé được chuyển Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.
TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trẻ chào đời nặng 500g được xác định nguy cơ cao viêm ruột hoại tử, khó khăn nuôi dưỡng, dễ mắc nhiễm trùng. Cho nên, các bác sĩ đã áp dụng thành công chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, massage sớm, cho ăn sớm…
Trẻ được ăn sữa mẹ ngay từ đầu và ăn hoàn toàn đường tiêu hóa vào ngày thứ 12… Ban đầu, các nhân viên y tế cho trẻ ăn từng giọt sữa một, mỗi lần ăn 10 giọt, ngày đầu tiên trẻ ăn 16 bữa. Cứ thế tỷ lệ sữa được điều chỉnh dần mỗi ngày.
Đến nay, cháu bé đã 97 ngày tuổi (gần 40 tuần thai), nặng 2.000g, có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường. Trẻ đã biết tự cười, massage thể hiện sự dễ chịu, mẹ được hướng dẫn chăm sóc theo phương pháp Kangaroo từ khi bé 76 ngày tuổi.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, thành công này không chỉ là kết quả của việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh hết sức ngặt nghèo, chặt chẽ của bác sĩ sản khoa, nhi khoa. Những nỗ lực của chúng tôi mang lại niềm vui của gia đình cũng như y học của đất nước, đặc biệt trong ngành sản khoa.