Hà Nội: Triển khai các nội dung và giải pháp bảo đảm công tác ATTP năm 2023
Theo đó, đối với hoạt động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP, Sở Y tế xác định thực hiện nhiệm vụ đầu mối là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố. Tham mưu thành phố tổ chức chấm điểm thi đua công tác ATTP tuyến quận, huyện, thị xã. Duy trì hoạt động mạng lưới cộng tác viên ATTP.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan báo, đài trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trên địa bàn và một số tỉnh, thành khác về công tác ATTP. Tham mưu trao đổi kinh nghiệm quản lý ATTP với nước ngoài.
Hoạt động truyền thông về ATTP, tổ chức và phối hợp với cơ quan truyền thông đa dạng hóa phương tiện và nội dung truyền thông, phổ biến kịp thời các văn bản mới về ATTP và thực trạng ATTP trên địa bàn.
Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: DMS |
Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về ATTP tới các nhóm đối tượng đích: người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền trong dịp cao điểm về ATTP như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu và tổ chức tuyên truyền thuộc các chương trình truyền thông về ATTP.
Tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, kinh doanh và bảo quản thực phẩm.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn các văn bản quy định hiện hành về ATTP cho Ban chỉ đạo công tác ATTP và cán bộ mạng lưới ATTP tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Tập huấn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phương pháp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các văn bản thanh tra cho Phòng Y tế và TTYT các quận, huyện. Tập huấn, phổ biến kiến thức, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và các sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm ngiệm và xử lý vi phạm về ATTP, Sở Y tế thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp. Kiểm tra ATTP định kỳ theo kế hoạch, chuyên đề, tăng cường thanh kiểm tra đột xuất về ATTP, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau công bố sản phẩm.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giám sát việc khắc phục của cơ sở có kết quả không đạt trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Tiến hành lấy mẫu định kỳ, đột xuất, mẫu thị trường kiểm nghiệm đánh giá chất lượng ATTP sau công bố sản phẩm theo quy định. Triển khai chuyên đề trọng tâm ATTP ngành y tế.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Xác minh và xử lý 100% thông tin phản ánh về mất vệ sinh ATTP và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, thực hiện công tác xét nghiệm mẫu thực phẩm để đánh giá chất lượng thưc phẩm và là cơ sở xử lý vi phạm nếu mẫu không đạt. Sử dụng hiệu quả các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh ATTP.
Đối với hoạt động dự án và mô hình điểm về ATTP, ngành y tế xây dựng kế hoạch và triển khai 2 hoạt động chương trình ATTP, bao gồm: hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP và hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Trong đó, tiếp tục triển khai duy trì các chuyên đề về dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. Triển khai duy trì 20 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 16 quận, huyện. Kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 440 xã, phường của 20 quận, huyện.
Tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát nhằm nâng cao ý thức tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học của 10 quận, huyện; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 5 quận, huyện và bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp.
Hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trong trường học, cơ quan, đơn vị và các khu công nghiệp. Đảm bảo ATTP tại các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố và các đợt cao điểm về ATTP. Đồng thời, điều tra và xử lý kịp thời 100% vụ ngộ độc thực phẩm khi được thông báo; duy trì thông tin cảnh báo về sự cố ATTP.
Cứu sống bé sinh non nặng 800 gam bị thủng ruột
Bệnh viện Việt Đức vừa thông tin về việc các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh của bệnh viện đã cứu sống cháu bé sơ sinh non yếu chỉ nặng 800 gam, bị viêm phúc mạc sơ sinh do thủng ruột hồi tràng.
Cháu bé sinh non đã được các bác sĩ Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương hồi sức tích cực. Sau hội chẩn liên viện, các bác sĩ quyết định phẫu thuật hy vọng cứu sống cháu bé mặc dù trẻ cân nặng thấp và tình trạng nặng.
Cháu bé được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cấp cứu, rửa sạch ổ bụng, dẫn lưu lỗ thủng ruột cuối hồi tràng ra ngoài. Sau khi phẫu thuật, cháu tiếp tục được hồi sức tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đến nay, sau 2 tháng cháu được ra viện với cân nặng là 2,4kg, sau 5 tháng cháu được 4kg. Giữa tháng 1/2023, cháu được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Đức đóng hai đầu ruột lại. Sau phẫu thuật 5 ngày cháu đã ăn sữa, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và các bác sĩ trong những ngày cận Tết.
PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh cho biết, với một cháu bé sinh đôi, thai 29 tuần, cân nặng chỉ 800 gam, để nuôi được đã rất khó, cháu lại bị biến chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng của các cháu sơ sinh non yếu đó là viêm phúc mạc do thủng ruột. Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ không những đảm bảo thông khí, huyết áp, nhịp tim mà còn phải đảm bảo giữ thân nhiệt để cháu không bị tụt nhiệt độ cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật, là nguy cơ gây tử vong sau phẫu thuật.
Đến nay, đã có rất nhiều các trường hợp trẻ sơ sinh non yếu bị viêm phúc mạc sơ sinh được cứu sống là do có sự phối hợp về chăm sóc và phẫu thuật của 2 bệnh viện đầu ngành là Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Việt Đức.
Cảnh báo chấn thương nặng do pháo nổ tự chế
Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân Q, 17 tuổi, trú tại: Võ Miếu- Thanh Sơn vào viện trong tình trạng chấn thương sọ não, dập nát hai bàn tay do pháo tự chế phát nổ.
Theo lời người nhà kể lại, Q đã tự mua thuốc pháo trên mạng về chế tạo pháo ở nhà cùng 2 bạn của mình, bất ngờ pháo tự chế phát nổ khiến cả 3 em bị thương. Sau khi sơ cứu cầm máu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chỉ định chuyển tuyến trên điều trị do vết thương phức tạp.
BSCKI. Hà Quang Huy- Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân… Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo.
Các bác sĩ cảnh báo, để hạn chế tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh – những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em.
Mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.