“Hội chợ Tết yêu thương 2023” và “Gian hàng 0 đồng” phục vụ bệnh nhân điều trị
“Chợ Tết yêu thương 2023” là hoạt động do công đoàn Bệnh viện Bạch Mai và Phòng Công tác xã hội tổ chức kêu gọi vận động các nhà hảo tâm ủng hộ cho “Gian hàng Tết 0 đồng” và suất ăn miễn phí cho bệnh nhân phải ở lại viện điều trị.
Tại Chương trình, hàng chục gian hàng được bày bán dưới dạng phiếu mua hàng để gây quỹ ủng hộ người bệnh với phong phú các loại mặt hàng như: Cây cảnh, đồ khô, bánh kẹo, quần áo, các sản phẩm handmade… Chương trình cũng tổ chức khu vực riêng để trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với phần hỗ trợ cả tiền mặt và quà tặng, bánh kẹo để người bệnh vui đón Tết.
Tính đến ngày 16/1, Phòng Công tác xã hội đã kêu gọi được 327.000.000 đồng ủng hộ cho suất ăn Tết và một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai |
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc tổ chức chợ Tết là sáng kiến tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai với sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, để dành những tình cảm yêu thương tới người bệnh trong dịp Tết đến, Xuân về. Chúng tôi dự kiến có khoảng 2.000 người bệnh ở lại bệnh viện ăn Tết, họ rất cần được quan tâm, chia sẻ. Bởi lẽ ra giờ này, mỗi người bệnh được ở nhà với người thân để chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, nhưng vì bệnh tật họ phải ở lại bệnh viện là điều hết sức thiệt thòi. Vì vây, chúng tôi đã huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên của bệnh viện để tổ chức cho người bệnh đón một cái Tết trong bệnh viện thật ấm cúng và an lành. Chúng tôi cũng đang bằng mọi giá tập trung vào việc cứu chữa người bệnh, giúp nhiều người bệnh nhanh khỏi nhất, kịp thời gian để về bên gia đình. Bệnh viện cũng đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng về việc điều trị cho người bệnh; đặc biệt là trong những giờ phút thiêng liêng như lúc giao thừa, ngày đầu năm mới…”
Theo đó, bệnh viện đã chuẩn bị hàng nghìn suất ăn cho thân nhân người bệnh và bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện. Toàn bộ hệ thống cantin, nhà dinh dưỡng hoạt động 24/24 để phục vụ người bệnh xuyên Tết.
Đến ngày 16/1, Phòng Công tác xã hội đã kêu gọi được 327.000.000 đồng ủng hộ cho suất ăn Tết và một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Hà Nội: Đảm bảo công tác an toàn giao thông của ngành y tế năm 2023
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 111/KH-SYT về đảm bảo công tác an toàn giao thông của ngành Y tế năm 2023.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị trực thuộc sẵn sàng công tác cấp cứu và khám chữa bệnh. Đặc biệt, công tác cấp cứu tai nạn giao thông tại các tuyến đường cao tốc đảm bảo theo Thông tư 49/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.
Các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác tiếp nhận, cấp cứu điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Giao Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Bắc Thăng Long chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Bệnh viện đa khoa Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Gia Lâm, Trung tâm Cấp cứu 115 cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tổ chức sơ cứu, cấp cứu tại chỗ và vận chuyển, hồi sức cấp cứu người bị tai nạn giao thông về các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp yêu cầu tình hình bệnh tật.
Phối hợp với các tuyến y tế trên địa bàn thành phố để tổ chức triển khai công tác cấp cứu và vận chuyển, hồi sức cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. Đảm bảo sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, vật tư, trang thiết bị xe cấp cứu để sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân.
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cấp cứu, tăng cường hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu cho cán bộ y tế để giảm thiệt hại về người khi tai nạn xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông.
Yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng tại đơn vị để đáp ứng tiếp nhận, điều trị nạn nhân khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đảm bảo sẵn sàng đầy đủ các cơ số thuốc cấp cứu, vật tư, trang thiết bị cho việc tiếp nhận nạn nhân khi có yêu cầu. Tăng cường triển khai việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
TP.HCM: Kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13 cho hoạt động trở lại
Với tình huống giả định xuất hiện biến thể phụ mới tại TP.HCM và có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng tăng cao, Sở Y tế đã kích hoạt cho Bệnh viện dã chiến số 13 hoạt động trở lại với quy mô 100 giường hồi sức tích cực. Thời gian chuẩn bị để bệnh viện chính thức tiếp nhận người mắc COVID-19 nặng là 24 giờ.
Tình huống giả định là trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 20 đến 26/1), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) xác định tại TP.HCM đã xuất hiện 1 biến thể phụ mới của Omicron. Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện đa khoa có số ca mắc Covid-19 gia tăng (gấp 3-4 lần so với thời gian trước đó), hầu hết là có triệu chứng và số ca nặng cần thở oxy cũng tăng.
Tổ công tác đặc biệt về điều phối người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch của Sở Y tế báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến theo chiều hướng xấu. Khoa Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã sử dụng hết 50 giường (trong tổng số 70 giường hồi sức), các khoa, đơn vị điều trị Covid-19 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố cũng đã sử dụng gần 50% công suất giường bệnh, cho đến thời điểm này chưa có trường hợp nào tử vong.
Những công việc khẩn cấp cần được triển khai để bệnh viện dã chiến số 13 hoạt động trở lại trong vòng 24 giờ là huy động và sẵn sàng phục vụ cho 100 giường hồi sức, cụ thể mỗi giường hồi sức cần phải có 1 máy thở, 1 monitor, tủ dụng cụ phục vụ cho hồi sức người bệnh nặng (dây máy thở, catheter, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ…).
Như vậy, trong vòng 24 giờ cần phải có tổng cộng 100 giường hồi sức, sẽ cần: 100 giường hồi sức (sẵn có), 100 máy thở (có sẵn 30 cái, huy động 70 cái), 100 monitor (có sẵn 25 cái, huy động 75 cái); 2 X-Quang di động (có sẵn).
Đồng thời Sở Y tế huy động nguồn lực, bổ sung thêm 70 máy thở từ các bệnh viện gồm: Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (25); Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (10); Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10); Bệnh viện Trưng Vương (15), Bệnh viện Nguyễn Trãi (15); bổ sung thêm 75 monitor từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (10); Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (10); Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10); Bệnh viện Trưng Vương (15); Bệnh viện Nguyễn Trãi (15); Bệnh viện Nhân dân Gia định (15).
Riêng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, phương tiện phòng hộ, Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới dự trù và chuẩn bị đủ cơ số cho 100 giường. Với các máy xét nghiệm (huyết học, sinh hóa cơ bản), trang thiết bị hồi sức nâng cao, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở Y tế tham mưu Giám đốc Sở điều động từ các đơn vị trên địa bàn thành phố (từ kho dự trữ chống dịch sẵn có).
Mặt khác, Sở Y tế huy động nhóm chuyên viên phụ trách công tác nhận định tình hình và diễn tiến dịch bệnh Covid-19, nhóm chuyên gia hỗ trợ tư vấn từ xa, nhóm điều phối và chuyển bệnh nhân nặng về Bệnh viện Dã chiến số 13, nhóm hỗ trợ nhân lực và công tác hậu cần.