Nhiều tiết mục văn nghệ, ảo thuật, múa rối, múa lân, vẽ tranh, chụp hình miễn phí… đã mang không khí xuân tràn ngập khán phòng, xua tan sự ảm đạm của bệnh tật. Mỗi bệnh nhi tại bệnh viện sẽ được phát 1 phiếu mua hàng 0 đồng để được mua sắm miễn phí các đồ dùng thiết yếu phục vụ cho Tết này.
Mỗi bệnh nhân nhi/người nhà bệnh nhân sẽ tới 13 quầy gian hàng để được nhận 13 phần quà tương ứng gồm nhiều sản phẩm như: quầy bánh kẹo, quầy bánh sữa, quầy bắp rang bơ, quầy đồ chơi, quầy chăn/ga/gối/quần áo, quầy xúc xích, quầy thực phẩm và đồ khô, quầy cắt tóc miễn phí, quầy tết bóng nghệ thuật, quầy chụp ảnh, quầy thư pháp, quầy tò he, quầy tranh cát/tô tượng.
Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại chương trình Xuân yêu thương 2023 thu hút đông đảo các bệnh nhi |
ThS.Trịnh Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2022, bệnh viện thăm khám cho hơn 1 triệu bệnh nhi, trên 100.000 bệnh nhi nội trú, mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp khoảng 5.000 bệnh nhân tới khám và có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện. Hầu hết các bé nằm viện đều ở tỉnh xa và mắc bệnh hiểm nghèo chuyển từ tuyến dưới lên gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Vào dịp Tết hằng năm, bệnh viện điều trị nội trú từ 1.000 đến 1.500 trẻ. Để động viên tinh thần bệnh nhi và người nhà, bên cạnh đảm bảo về mặt chuyên môn, Bệnh viện cũng có các biện pháp hỗ trợ tinh thần như suất cơm miễn phí, quà tặng đồ chơi, vật dụng… để bệnh nhi ở lại bệnh viện có điều kiện tốt nhất, không ai không có Tết.
Nhằm chia sẻ gánh nặng tâm lý cho các gia đình và mang lại sự lạc quan cho các em nhỏ, vào những dịp đặc biệt như Tết Thiếu nhi, Noel, Tết Nguyên đán, bệnh viện luôn có sự chung tay của các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình đặc biệt dành cho các bệnh nhi.
Tại chương trình Xuân yêu thương 2023 này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đón nhận tổng kinh phí tài trợ hơn 2,4 tỷ đồng với 30 gian hàng phát miễn phí tặng cho gần 2.000 bệnh nhân.
Xử phạt công ty sản xuất thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành
Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, vừa ký quyết định số 19/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TP.HCM (địa chỉ trụ sở chính số 202A đường 11, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Do công ty này đã sản xuất và đưa ra lưu hành tại Việt Nam 70 lọ (lọ 10ml) chất 18F-FDG chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành.
18F-FDG (18F- fluodeoxyglucose) là một dược chất phóng xạ dạng tiêm. Trong ung thư, dược chất này không chỉ được dùng để chẩn đoán giai đoạn bệnh mà còn giúp các bác sỹ y học hạt nhân cũng như ung thư và xạ trị lập kế hoạch điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị. Hiện nay 18F-FDG là dược chất phóng xạ được phổ biến nhất trong y học hạt nhân (chiếm tới 90-95% ghi hình PET).
Mức xử phạt hành chính là 160 triệu đồng, Công ty cổ phần y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TP.HCM còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất thuốc 18F-FDG trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 12/1/2023. Công ty cổ phần y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TP.HCM cũng phải tiêu hủy 70 lọ (lọ 10ml) thuốc 18F-FDG trên đây.
Cục Quản lý dược đề nghị Công ty cổ phần y học Rạng Đông, chi nhánh TP.HCM phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà đơn vị không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được trao chứng nhận Kim cương về điều trị đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa nhận Chứng nhận Kim cương do Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn.
WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM và đại diện cho Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam cho biết, đây là phần thưởng danh giá mà hiếm đơn vị, trung tâm đột quỵ có thể đạt được.
Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.
Chứng nhận do Hội Đột quỵ Thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được “tái cấp”.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tham gia RESQ từ quý 2 năm 2021, đạt mức Bạch kim (vào quý 2, quý 4 năm 2021 và quý 2 năm 2022). Đến quý 3 năm 2022, Bệnh viện là 1 trong 2 cơ sở y tế tại Việt Nam và là 1 trong 40 đơn vị điều trị đột quỵ khác trên toàn thế giới đã đạt giải thưởng cao nhất của WSO Angels – mức Kim Cương.
Để đạt được chứng nhận này, bệnh viện báo cáo các số liệu, quy trình điều trị lên hệ thống RESQ mỗi ngày, sau đó WSO căn cứ nhiều tiêu chí đánh giá như: quy trình tiếp nhận, can thiệp, cứu sống bệnh nhân đột quỵ, cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện.
Có rất nhiều tiêu chí khắt khe của chứng nhận Kim cương, không chỉ ở vấn đề tay nghề, trình độ của bác sĩ, trang thiết bị của bệnh viện mà còn phải có sự phối hợp, hoạt động với cộng đồng, để người dân nhận biết được triệu chứng đột quỵ, đến bệnh viện để được điều trị tốt.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là đơn vị tiên phong trong phát triển bệnh viện điều trị đột quỵ toàn diện và áp dụng nhiều kỹ thuật mới. Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2019), Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã khám, điều trị cho gần 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 160.000 lượt vì đột quỵ.
Tính riêng trong năm 2022, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 205.000 lượt, trong đó có hơn 81.000 lượt bệnh nhân đến vì đột quỵ; số ca mắc đột quỵ mới là 12.814 ca. Số lượng nhồi máu não chiếm 76%, xuất huyết não chiếm 24%. Bệnh nhân đến trong thời gian vàng năm 2022 là 21%, tăng so với 2021 (20%).
Bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn Kim cương sẽ là tiền đề quan trọng giúp nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế, giảm gánh nặng cho các bệnh viện phía Nam và gánh nặng cho xã hội.