Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở
Dự án này do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại thông qua KOFIH, sẽ hỗ trợ triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” tại 10 tỉnh. Dự kiến các tỉnh sẽ bao gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang, Bến Tre và Tây Ninh với tổng dân số khoảng 10 triệu người.
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện sức khỏe các nhóm yếu thế bị hạn chế bởi các yếu tố về cung ứng thông qua việc cải thiện tiếp cận với dịch vụ y tế và tăng cường chuyển đổi số trong y tế nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Dự án sẽ nâng cấp phần mềm và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật số, cung cấp máy chủ, thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo và hoàn thiện khung pháp lý về y tế từ xa.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: sonla.org) |
Phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh miền núi là Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và nhân rộng ra 5 tỉnh tiếp theo là Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk từ tháng 11/2022. Nhiều thiết bị y tế từ xa đã được bàn giao cho 5 Sở Y tế tỉnh. Ngoài ra, tính đến hết tháng 12/2022, dự án đã cung cấp 30 khóa đào tạo trực tuyến cho 1.978 nhân viên y tế từ 736 cơ sở y tế.
Phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” phù hợp với chiến lược của Việt Nam nhằm nâng cấp và tăng cường năng lực hệ thống y tế các tuyến, đặc biệt là năng lực phát hiện và điều trị sớm của hệ thống y tế cơ sở tại tuyến xã.
Ban hành kế hoạch phòng, chống dịch ngành y tế Hà Nội năm 2023
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 32/KH-SYT về phòng, chống dịch ngành y tế năm 2023.
Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ giai đoạn tháng 2-3, sau đó được kiểm soát tốt; dịch sốt xuất huyết bùng phát với hơn 350.000 trường hợp mắc và 133 trường hợp tử vong; ghi nhận ca bệnh mắc Cúm A/H5 sau 8 năm kể từ 2014 tại Phú Thọ; ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ xâm nhập tại TP.HCM; bệnh dại, tay chân miệng có xu hướng gia tăng.
Tại Hà Nội, dịch Covid-19 giảm mạnh từ đầu tháng 3/2022 đến nay, hiện tại trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng vài chục ca mắc mới; dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát tại một số xã phường, tuy nhiên đã được kiểm soát; các dịch bệnh lưu hành khác như dại, sởi, tay chân miệng vẫn ghi nhận rải rác.
Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 346/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND TP Hà Nội về phòng, chống dịch thành phố năm 2023, để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố nhằm han chế tới mức tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngành y tế Hà Nội năm 2023.
Kế hoạch xác định, mục tiêu chung nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh Covid-19, tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lây lan rộng trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu cụ thể, 100% quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương.
100% xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế-dân số, đội xung kích diệt bọ gậy…, nhằm hỗ trợ các cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
100% các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo trực tuyến theo Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh, các lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng chống dịch bệnh.
100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định. 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh hàng tuần.
Ngành y tế Hà Nội cũng phấn đấu mục tiêu tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội; theo dõi sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức khoanh vùng, điều tra xử lý khống chế nhanh chóng, hiệu quả các ổ dịch nhằm giảm số mắc và tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương.
Cùng với đó, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.
Tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19, bảo đảm trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, người trên 18 tuổi được tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn và phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Đặt mục tiêu nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, đảm bảo tỷ lệ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm được xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.
Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Xử phạt và tiêu hủy lô thuốc vi phạm chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định số 08/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Unicure Remedies Pvt. Ltd. (India).
Theo Cục Quản lý Dược, Công ty Unicure Remedies Pvt. Ltd. (India) sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật đối với thuốc Novotec-70, số GĐKLH: VN-22482-19, số lô sản xuất: E11532001, ngày sản xuất: 05/03/2020, hạn dùng: 04/03/2023.
Áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân là 70.000.000 đồng. Công ty Unicure Remedies Pvt. Ltd. (India) phải báo cáo việc nộp phạt về Cục Quản lý Dược trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
Buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng (lô thuốc Novotec-70, số GĐKLH: VN-22482-19, số lô sản xuất: E11532001, ngày sản xuất: 05/03/2020, hạn dùng: 04/03/2023).
Cơ sở nhập khẩu lô thuốc nêu trên vào Việt Nam là Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) phải tiến hành thu hồi số thuốc vi phạm chất lượng, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
Thương tích nặng do tự chế pháo nổ
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận nam thiếu niên 14 tuổi, trú tại Bắc Giang vào viện trong tình trạng bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Nam thiếu niên G.T.B tự mua thuốc pháo trên mạng về chế tạo pháo ở nhà thì bất ngờ pháo tự chế phát nổ, trong quá trình pháo chế tạo phát nổ khiến máy xay sinh tố văng vào ngực trái bệnh nhân.
Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS. TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mặt bỏng, 2 chân và tay đều bị bỏng.
Kết quả chụp phim X-quang ngực thấy có 2 dị vật kim loại trong lồng ngực nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật, khâu vết thương thành thất phải cho bệnh nhân.
Hiện tại bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo PGS. TS Phùng Duy Hồng Sơn, vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.