Ngăn dịch bùng phát
Bộ Y tế đánh giá, tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỷ lệ bao phủ vắc-xin của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù vậy, Bộ Y tế nhận định, dịch Covid-19 vẫn là mối nguy hiểm thường trực.
Ảnh minh họa. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Hiện cả nước vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày; nhiều ca nặng phải thở ô xy và vẫn ghi nhận rải rác ca tử vong do Covid-19.
Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao.
Mặc dù công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn còn lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vắc-xin. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp.
Cùng với Covid-19, dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu giảm trên phạm vi cả nước, nhất là miền Bắc đã bước vào mùa lạnh, các đợt rét đậm, nhiệt độ giảm sâu đã hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, giảm sự lây lan nhưng số ca mắc vẫn cao, còn nhiều ổ dịch hoạt động, tức là vẫn có nguy cơ lây lan.
Tại Hà Nội, trong tuần giữa tháng 12/2022, thành phố vẫn ghi nhận trên 1.100 ca mắc sốt xuất huyết và có thêm 2 ca tử vong. Tuy số ca mắc đã giảm so với giai đoạn cao điểm nhưng vẫn còn khá cao tại 30 quận, huyện, thị xã. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thành phố vẫn phải tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tại TP.HCM cũng ghi nhận số trẻ em mắc viêm màng não đang gia tăng. Các chuyên gia nhận định số trẻ mắc viêm màng não sẽ tiếp tục tăng từ giờ tới các tháng đầu năm 2023. Vào những tháng cuối năm, các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM, như Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghi nhận số ca mắc tăng nhanh so với thời gian trước.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu như trong tháng 8 và 9, mỗi ngày trung bình Khoa Nhiễm điều trị cho 10-12 bệnh nhi mắc viêm màng não, thì từ tháng 10 đến nay, số ca đã tăng đột biến, với 20-25 ca mỗi ngày. Trong số này có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, điều trị kháng sinh. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lượng bệnh nhi điều trị viêm màng não tại Khoa Nhiễm thần kinh có xu hướng tăng, có nhiều ca nặng phải phẫu thuật.
Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ…
Bộ Y tế dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Nhất là giai đoạn giao mùa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Đặc biệt là các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh.
Cảnh báo tai nạn thương tích vì nghịch pháo
Chỉ một tuần, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tiếp nhận liên tiếp 5 bệnh nhân từ 8 tới 14 tuổi bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ.
Trong số này, có 2 bệnh nhân bị bỏng vùng đầu, mặt, cổ; 3 ca còn lại có vết thương phức tạp ở bàn tay. Gia đình cho biết các em mua thuốc pháo rồi học tự chế trên mạng, có trường hợp nhặt được pháo rồi đốt thử.
Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, các bác sĩ nhận định các trường hợp vết thương bàn tay là tổn thương phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời, khả năng cao phải cắt cụt cả bàn tay của bệnh nhi. Các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, cắt lọc tổ chức dập nát, nối vi phẫu, xuyên đinh cố định xương bàn ngón tay bảo tồn các ngón bị tổn thương. Hiện tại sau phẫu thuật, các bệnh nhân ổn định.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chỉ trong 2 tuần cũng đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp là học sinh cấp 2, 3, bị tai nạn do pháo nổ,. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị bỏng hai mắt; dập nát các ngón tay, bàn tay; chấn thương phần mềm trên mặt, cơ thể…
Tương tự như các bệnh nhi ở Hải Phòng, không ít bệnh nhân vào viện vì pháo ở Thái Nguyên do xin thuốc pháo của bạn hoặc mua trên mạng về tự chế.
Có trường hợp cho thuốc pháo vào ống nhựa, quả pháo nổ ngay trên tay không kịp vứt đi khiến bệnh nhân bị dập nát bàn tay, đa vết thương phần mềm. Một trẻ cho pháo vào máy xay sinh tố để nghiền và chế. Khi đang chạy, do nhiệt độ tăng nên thuốc pháo phát nổ, các mảnh vỡ của máy xay sinh tố bắn lên mắt, mặt, cơ thể.
Với các trường hợp bỏng vùng mặt do pháo nổ, các tổn thương phần mềm vùng mặt không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn nguy cơ bỏng đường hô hấp gây nhiều biến chứng nặng. Theo BSCKII Đặng Quốc Hùng, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, thực tế có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.
Gần Tết, lễ, tình trạng bệnh nhân nhập viện vì pháo nổ gia tăng, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh – những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng chưa đủ hiểu biết. Bác sĩ khuyến cáo học sinh, người dân tuyệt đối không được tự chế, sử dụng pháo, phòng nguy cơ xảy ra những tai nạn thương tâm.
Các bệnh viện Hà Nội chủ động phòng chống rét cho bệnh nhân
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, rét đậm, rét hại tăng cường gây ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của người dân, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường phòng chống rét để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
Để đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh, người nhà người bệnh khám, chữa bệnh, ngay từ đầu mùa lạnh Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, phương tiện chống rét; tại nơi xếp hàng chờ tiếp đón, chờ khám, siêu âm, xét nghiệm… đều kín gió; các phòng khám, buồng điều trị đều bố trí đủ quạt sưởi, đủ chăn đệm; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh, chuẩn bị các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các bệnh dễ xảy ra như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do virus…
Bệnh viện đa khoa Hà Đông tăng cường công tác chỉ đạo các khoa, phòng phải đảm bảo việc phòng chống rét cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu…
Song song với các phương án chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Hà Đông luôn đảm bảo công tác phòng chống rét cho người bệnh, đồng thời tuyên truyền các biện pháp giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông khuyến cáo, mỗi người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mùa đông như mọi người dân, mọi lứa tuổi cần giữ ấm cơ thể, mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ bệnh tật, ăn thức ăn nóng ấm. Hạn chế ra ngoài khi nền nhiệt hạ sâu, mưa lạnh; nếu phải đi đến những nơi đông người thì cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có các triệu chứng về đường hô hấp như: khó thở, ho, hắt xì, sốt, chảy nước mũi…
Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh… Người dân cần duy trì chế độ tập thể dục thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe…