Trang chủ Doanh nghiệpSức khỏe doanh nghiệp Thực phẩm Sao Ta: Lợi nhuận quý IV/2022 ước tính giảm 14,3% về 92,72 tỷ đồng

Thực phẩm Sao Ta: Lợi nhuận quý IV/2022 ước tính giảm 14,3% về 92,72 tỷ đồng

bởi Linh
Sau khi tăng trưởng mạnh đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC – sàn HoSE) tiếp tục báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý IV so với 9 tháng đầu năm 2022.

Trong tháng 12/2022, Thực phẩm Sao Ta ước tính doanh số đạt 11,1 triệu USD, lũy kế cả năm đạt 226 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm nữa, cả năm, Thực phẩm Sao Ta ước tính lợi nhuận đạt 340 tỷ đồng, hoàn thành 106,25% kế hoạch lợi nhuận năm.

Với mức lợi nhuận trước thuế năm 2021 ghi nhận 288,96 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Thực phẩm Sao Ta tăng trưởng 17.7% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong Báo cáo tài chính quý III/2022, 9 tháng đầu năm 2022, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu tăng 19,6% so với cùng kỳ lên 4.491,12 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 247,28 tỷ đồng, tăng 36,8% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Như vậy, lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng 36,8% nhưng lợi nhuận cả năm tăng trưởng 17,7%, ước tính tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý IV chậm lại.

Tính riêng trong quý IV/2022, ước tính lợi nhuận trước thuế của Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 92,72 tỷ đồng, giảm 14,3% so với thực hiện trong quý IV/2021.

Dòng tiền kinh doanh âm trong 9 tháng đầu năm 2022

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 152,27 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 259,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm 339,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 225,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh và mở rộng đầu tư.

Được biết, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh âm trong năm là năm 2017, với giá trị âm 279,97 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta tăng 17% so với đầu năm lên 3.157,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 1.003,9 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 609,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 516,7 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 401,3 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 61,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 232,1 tỷ đồng lên 609,3 tỷ đồng; tồn kho tăng 6,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 63,1 tỷ đồng lên 1.003,9 tỷ đồng …

Việc dòng tiền kinh doanh âm 152,27 tỷ đồng, nguyên nhân một phần đến từ việc tăng khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho trong kỳ.

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 92,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 383,4 tỷ đồng lên 798,2 tỷ đồng và chiếm 25,3% tổng nguồn vốn.

Xuất khẩu thủy sản giảm trong tháng 12/2022 và tiếp tục giảm trong quý đầu năm 2023

Ở một diễn biến khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 785 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với thực hiện trong năm 2021.

Xét theo nhóm hàng, trong tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ, ghi nhận 260 triệu USD (tháng 11 giảm 18%); xuất khẩu cá tra giảm 23% so với cùng kỳ, đạt 166 triệu USD, lũy kế cả năm vẫn tăng 52%, tương ứng đạt khoảng 2,4 tỷ USD.

Về thị trường tiêu thụ, riêng thị trường xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hongkong là duy trì mức tăng trưởng dương 17% trong tháng 12, các thị trường còn lại đều sụt giảm. Tính cả năm 2022, thị trường xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc – HongKong tăng 59% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu thủy sản giảm 40% trong tháng 12, lũy kế cả năm tăng 5% và ghi nhận đạt 2,1 tỷ USD; thị trường châu Âu, tháng 12, hoạt động xuất khẩu giảm 32%, lũy kế cả năm vẫn tăng 20% và ghi nhận đạt 1,3 tỷ USD …

Kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến cho nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm mạnh. Vasep dự báo xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022 và thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng trên 10 tỷ USD.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12/2022, cổ phiếu FMC tăng 200 đồng lên 32.200 đồng/cổ phiếu, lũy kế cả năm, cổ phiếu FMC giảm 36,2% từ 50.470 đồng/cổ phiếu.

Có thể bạn quan tâm