Một trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 51. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) về Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 – Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT.
Công văn này được phát đi sau khi Bộ GTVT nhận được văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam về việc xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT đối với các nội dung tồn tại, ngày kết thúc thu phí của Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 – Km73+600.
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, các nội dung nêu tại các văn bản trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ Việt Nam. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp giải quyết, chỉ đạo và giao Cục Đường bộ Việt Nam quyết định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.
Về tạm dừng, dừng thu phí dự án, Bộ GTVT nhấn mạnh, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT đã quy định thẩm quyền tạm dừng thu, dừng thu đối với dự án đầu tư theo hợp đồng BOT là của Cục Đường bộ Việt Nam.
“Vì vậy, trên cơ sở kết quả tính toán xác định thời điểm kết thúc thu phí dự án, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng, dừng thu phí dự án theo thẩm quyền, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, đúng quy định, tránh việc doanh nghiệp dự án thu phí vượt quá thời gian”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, chiều nay (9/1) lãnh đạo của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ họp lại và có quyết định cuối cùng.
“Lãnh đạo chúng tôi đang đi giữa hai làn đạn: nếu để nhà đầu tư thu quá sẽ vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam; nếu làm không tốt, nhà đầu tư thấy không đúng sẽ khởi kiện và nếu họ thắng thì tùy theo mức độ chúng tôi có thể bị xử lý hành chính, thậm chí nếu thiệt hại có thể xử lý hình sự”, ông Cường chia sẻ.
Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 có lịch sử phức tạp hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, trước khi Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 được triển khai, Bộ GTVT có triển khai 1 dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.
Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.
Theo Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của Hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến ngày 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến ngày 28/3/2033).
Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030, trong đó bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo Hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến ngày 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (là lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác). Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.
Đại diện BVEC cho rằng, cách tính của Cục Đường bộ Việt Nam là mang tính chủ quan, không có cơ sở pháp lý nhất là khi thời gian tạo lợi nhuận 4 năm đã được các bên đàm phán thống nhất, được Bộ GTVT chấp thuận.
Tại văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 11/2022, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT không thực hiện đề xuất đơn phương tạm dừng thu phí tại Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 trong khi nhà đầu tư và đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thống nhất quyết toán vốn đầu tư và xác định thời gian tạo lợi nhuận của nhà đầu tư do một số quan điểm xử lý của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra chưa đủ cơ sở pháp lý.
“Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước quyết tâm đơn phương chấm dứt Hợp đồng trước hạn hoặc tạm dừng thu phí thì sẽ có thể xảy ra tranh chấp pháp lý giữa các bên có liên quan”, lãnh đạo BVEC lo ngại.