Với ý nghĩa “người lính mở đường” của quy hoạch này, Quốc hội yêu cầu thu hút mọi nguồn lực xã hội để thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai |
Sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức
Bên cạnh Quy hoạch Tổng thể quốc gia, tại kỳ họp này, Quốc hội còn thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), một số nghị quyết khác và quyết định công tác nhân sự.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo”.
Riêng về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 phó thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
Đề cập bối cảnh năm 2023, ngoài bối cảnh quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, điện tử – điện máy… bị thu hẹp, Chỉ số Sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của quý III/2022.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 giảm 19% so với năm trước đó; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm.
“Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
Thu hút mọi nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch
Với Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc hội đã thông qua quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.
Theo Nghị quyết, Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Quốc hội cũng thống nhất, đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam sẽ có ít nhất 5 đô thị ngang tầm quốc tế, là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn này, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 6,5 – 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 – 75%. Chỉ số Phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng nêu định hướng tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế – xã hội; 4 vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia và các hành lang kinh tế.
Cụ thể, 6 vùng kinh tế – xã hội, gồm Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh, thành phố); Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Vùng Đông Nam bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Bốn vùng động lực gồm vùng động lực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Nghị quyết đã quy định từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại Vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và Đồng bằng sông Hồng; Vùng Tây Nguyên; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và vùng phụ cận.
Về nguồn lực, Quốc hội yêu cầu phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Tiền thu được từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương. Huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt cũng được Nghị quyết đề cập.
Tại cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp, báo chí nêu câu hỏi: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó thủ tướng. Vậy việc kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được tính toán như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, công tác cán bộ rất thận trọng, cần tính toán phù hợp, thời gian tới cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét vấn đề nêu trên, trong khi ông Trần Hồng Hà vẫn đồng thời giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng trong phiên bế mạc Kỳ họp, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), gồm 12 chương, 121 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Ở luật này, Hội đồng Y khoa quốc gia là mô hình lần đầu tiên có ở Việt Nam. Điều 25 của Luật quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị khi quy định cụ thể về các nội dung trong điều này, Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Kết quả biểu quyết riêng về Điều 25 có tới 79/481 vị không tán thành – tỷ lệ khá cao trong các nội dung được biểu quyết tại kỳ họp.