Việc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) kịp thời khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cho thấy sự tích cực, chủ động của ngành này trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, tránh tình trạng “dồn toa” công việc vào những tháng cuối năm.
Ngoài việc sớm góp phần “đóng mạch” toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2025, với tổng mức đầu tư lên tới 146.990 tỷ đồng, nếu được ghi vốn kế hoạch sớm, Bộ GTVT có thể thực hiện giải ngân ít nhất 30.000 tỷ đồng ngay trong quý đầu tiên của năm 2023 nhờ việc tạm ứng với các gói thầu xây lắp.
Đây là con số rất có ý nghĩa nếu biết rằng, năm 2023, Bộ GTVT được giao giải ngân vốn đầu tư công lên tới 94.000 tỷ đồng – giá trị vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều thách thức để các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam bắt tay ngay vào thi công, từ đó sớm có khối lượng thực tế, tránh tình trạng “sống nhờ tạm ứng” như các dự án được triển khai trong giai đoạn trước đây.
Thách thức đầu tiên là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện theo hình thức “vừa chạy, vửa xếp hàng” cùng với việc chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp. Chính vì vậy, dù rất có nỗ lực, nhưng 12 gói thầu vừa khởi công cũng mới chỉ nhận được tối đa 70% mặt bằng, trong đó nhiều công địa chưa có đường tiếp cận hoặc trong tình trạng “xôi đỗ”, khiến các đơn vị thi công khó tập trung thi công dứt điểm.
Thách thức thứ hai là giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu luôn biến động theo chiều hướng tăng trong khi các địa phương công bố giá vật tư, vật liệu, chỉ số giá không kịp thời, chưa phù hợp với thực tế. Việc này gây khó khăn cho công tác điều chỉnh giá cũng như công tác thanh quyết toán, nhất là khi các dự án đồng loạt triển khai sẽ dễ gây ra tình trạng chủ mỏ đầu cơ tăng giá cao hơn so với giá địa phương công bố.
Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ, nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường, dẫn đến nguy cơ chi phí tăng cao và chậm tiến độ như đã xảy ra tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Thách thức thứ ba là quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu dễ sai sót khi dự án được thực hiện trong thời gian ngắn, tính chất công trình theo tuyến đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Bên cạnh đó, việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.
Để hóa giải các thách thức nói trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ GTVT phải khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải.
UBND các tỉnh phải khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho nhà thầu đã được Bộ GTVT lựa chọn và hoàn thành trước ngày 30/1/2023 để nhà thầu triển khai, đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc không được cấp mỏ vật liệu đồng nghĩa hàng ngàn thiết bị được huy động đến công trường phải “đắp chiếu”, trong khi mùa khô 2022 đã sắp hết.
Ngoài ra, Bộ GTVT cần chỉ đạo các ban quản lý dự án khẩn trương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để đáp ứng tiến độ thi công trên hiện trường, tổ chức làm việc với UBND các tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, đồng thời vận động nhân dân tại khu vực dự án thống nhất với nhà thầu trong việc sử dụng đường tiếp cận vào công trường. Bên cạnh đó, cần yêu cầu tư vấn giám sát khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực đáp ứng tốt kế hoạch triển khai thi công của nhà thầu và phải bố trí đủ nhân sự trong thời gian nhà thầu thi công xuyên Tết cũng như các ngày nghỉ.
Quan trọng hơn, các đơn vị chủ đầu tư phải sớm thống nhất với nhà thầu đứng đầu liên danh lập kế hoạch thi công tổng thể, trong đó xác lập rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia, báo cáo Bộ GTVT thông qua và công bố để người dân giám sát việc thực hiện với phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”. Chủ đầu tư cũng cần sẵn sàng thay thế những nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu với tinh thần: “Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”.