Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tuần qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, dự kiến trình Chính phủ tuần này. Bộ Tài chính kỳ vọng các quy định sẽ thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Dự thảo công bố trước đó, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có 3 điểm sửa đổi đáng chú ý.
Đó là: hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 1 năm; giãn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm thêm 1 năm và cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Các quy định này được kỳ vọng sẽ không bóp nghẹt sức cầu, cho doanh nghiệp thêm thời gian giãn nợ thay vì phải ồ ạt trả nợ trái phiếu đáo hạn 2 năm tới.
Có thể nói, với việc nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Ba điểm sửa đổi có tính chất “ân hạn” của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cảnh vỡ nợ trái phiếu năm nay. Ước tính, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 250.000 tỷ đồng. Riêng với doanh nghiệp bất động sản, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 – 2024 là hơn 230.860 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường.
Mặc dù vậy, Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP không phải là phép màu để đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở lại thời kỳ hoàng kim.
Thứ nhất, cú sốc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… từ năm 2022 vẫn còn đó, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là nỗi sợ ít nhất trong vài năm tới. Bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao càng khiến nhà đầu tư e ngại khi cân nhắc rủi ro – lợi nhuận trái phiếu.
Thứ hai, năm 2023, hoạt động thanh tra, giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn tiếp diễn, gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.
Thứ ba, với doanh nghiệp, sức ép thanh khoản tạm thời được giải tỏa nếu Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được thông qua, song nghị định này chỉ giúp doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ đỉnh nợ. Nghị định sửa đổi dự kiến chỉ cho phép giãn, hoãn một số quy định thêm 1 – 2 năm. Điều này có nghĩa, nếu muốn tiếp huy động vốn qua kênh trái phiếu những năm tới, doanh nghiệp phát hành cần tận dụng thời gian này để chuẩn hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch của mình.
Rõ ràng, sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là rất cần thiết, song cơ hội thứ hai chỉ đến với các doanh nghiệp nghiêm túc chuyển đổi.
Hiện nay, có tới 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có “sức khỏe” tài chính ở mức yếu rất đáng báo động và đặc biệt là thiếu minh bạch, nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu hiện lên tới 8,1 lần, trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Nếu tiếp tục phát hành dễ dãi, “quả bom nợ” mang tên trái phiếu sẽ ngày càng phình to.
Rõ ràng, về dài hạn, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP vẫn hết sức cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, lành mạnh. Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP chỉ là giải pháp gỡ khó thanh khoản tạm thời trước khi cơ quan quản lý tính chuyện “đường dài” cho thị trường trái phiếu.
Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ dự kiến triển khai trong năm 2023 đang được các nhà đầu tư kỳ vọng là một trong các giải pháp để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần có nhiều biện pháp hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức phát hành, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tư vấn và các nhà đầu tư…