Mục tiêu đến năm 2025
Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo quyết định này, đến năm 2025,
tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Tỷ trọng logistics/GDP đạt 5-6% là tỷ trọng khá cao khi so với tỷ trọng tương ứng của các ngành kinh tế năm 2021. Tỷ trọng của logistics trong GDP chỉ đứng sau 4 ngành.
Cụ thể, tỷ trọng trong GDP của khai khoáng là 2,44%; sản xuất và phân phối điện 3,95%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 0,90%; xây dựng 5,97%; vận tải, kho bãi 4,46%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1,73%; thông tin và truyền thông 3,61%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 4,73%; kinh doanh bất động sản 3,61%; chuyên môn, khoa học – công nghệ 2,26%, hành chính và dịch vụ hỗ trợ 0,95%; Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc 2,18%; giáo dục, đào tạo 3,84%; y tế, trợ giúp xã hội 3,25%; nghệ thuật, vui chơi giải trí 0,56%; làm thuê hộ gia đình, sản xuất tự tiêu dùng của hộ gia định 0,13%; nông, lâm nghiệp – thủy sản 12,56%; công nghiệp chế biến, chế tạo 24,62%; thương nghiệp 9,34%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) 8,76%.
Tăng trưởng logistics đạt 15-20%. Đây là tốc độ tăng rất cao, cao gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng tương ứng của cả nước theo kế hoạch 2021-2025 (6,5-7%) và tỷ trọng trong GDP của logistics vẫn đứng thứ hạng cao.
Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Một trong những hạn chế của dịch vụ là tính kiêm nhiệm còn cao, kể cả các cơ quan, doanh nghiệp. Mục tiêu này nhằm tăng tính chuyên nghiệp, tăng năng suất lao động.
Giảm chi phí logistics xuống tương đương 16-20% GDP. Đây là mức giảm rất lớn, nhằm tăng hiệu quả của bản thân dịch vụ logistics và giảm giá cả của các ngành khác của nền kinh tế.
Ngày 17/12/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 163/NQ-CP về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Nhìn tổng quát, các mục tiêu đề ra đã thể hiện vai trò quan trọng của dịch vụ logistics và quyết tâm cao của Nhà nước đối với dịch vụ này.
Một số vấn đề đặt ra
Mục tiêu đặt ra phải được thực tế đo lường để đánh giá việc thực hiện, trên cơ sở đó có giải pháp chỉ đạo việc thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, do dịch vụ logistics là dịch vụ kết nối, gắn chặt với các ngành, lĩnh vực từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất, lưu thông ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chính vậy, rất khó tách bạch khi tính chỉ tiêu sản xuất như giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị tăng thêm. Cũng rất khó khi tính các chỉ tiêu có tính hệ thống của ngành như lao động (năng suất lao động), vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp (và các chỉ tiêu có liên quan như lao động, vốn, tài sản cố định và đầu tư dài hạn, doanh thu thuần, tổng thu nhập, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận), nộp ngân sách…
Về chỉ tiêu cụ thể, nếu so với mức hiện nay của các ngành, thì mục tiêu đề ra đến năm 2025 là rất cao. Do vậy, nếu không có quyết tâm rất cao, có giải pháp quyết liệt, thì rất khó thực hiện được.