Trong hai năm gần đây, những khó khăn do đại dịch, do khủng hoảng kinh tế, do xung đột địa chính, do lạm phát… trên thế giới được phản ánh rất rõ qua sự biến động của nguồn kiều hối chuyển về qua từng năm.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về chỉ tính riêng trên địa bàn TP. HCM đạt 6,603 tỷ USD (số liệu chính thức), giảm 6,67% so với năm 2021.
Nguyên nhân chính chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế… tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể và đặt trong mối liên hệ so sánh hằng năm, cũng như lượng kiều hối của cả nước – kiều hối chuyển về thành phố TP. HCM trong năm 2022 vẫn là con số ấn tượng. Kiều hối đang chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố.
Đây là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2022 – năm phục hồi sau đại dịch.
“Kiều hối chuyển về mỗi dịp Xuân về là những tinh cảm gửi gắm từ trái tim của mỗi người dân gốc Việt, của kiều bào và người lao động ở nước ngoài gửi về cho thân nhân, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang ý nghĩa kinh tế , từ đây nguồn kiều hối góp phần xây dựng thành phố, xây dựng đất nước”, ông Lệnh cho hay.
Về mặt quy mô so với cả nước, kiều hối chuyển về TP. HCM trong năm chiếm trên 50% so với cả nước. Đây cũng là con số ấn tượng. Nguyên nhân được nhìn nhận là, ngoài yếu tố kiều bào có quê hương, gia đình ở thành phố, thì môi trường đầu tư, việc đang là trung tâm tài chính năng động và lớn nhất của cả nước, cùng với tiện ích và hiệu quả của hệ thống chi trả kiều hối… cũng trở thành động lực chính thu hút kiều hối về TP.HCM hàng năm.
Hiện chưa có số liệu chung của cả nước nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng 4,4% so với 2021.
Kiều hối là điểm sáng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt mức 10 tỷ USD. Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu, cũng như tác động của xung đột quân sự Nga – Ukraine, cùng với việc lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam tuy có sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Nổi bật là năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt khoảng 12,5 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương (theo thống kê của WB và KNOMAD).
Kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, đây là nguồn lực từ tích lũy, từ tiết kiệm và thu nhập của kiều bào, của người lao động nước ngoài gửi về.
Vì vậy, ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối; về lao động nước ngoài; về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, lượng kiều hối luôn có mức tăng trưởng cao, ở cả hình thức chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn Tết.
Công ty kiều hối Sacombank thống kê, trong thời điểm gần tết, lượng kiều hối chuyển về (cả doanh số và số món) tăng mạnh so với cùng kỳ tết âm lịch năm 2022, tăng trên 50%. Đây là con số ấn tượng.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, các cửa khẩu, sân bay quốc tế luôn chật kín người về quê ăn tết, là một niềm vui, một cảm xúc dâng trào, Không chỉ là niềm vui sum họp, niềm vui ngày Tết mà cùng với đó, cảm xúc mùa xuân cũng được lan tỏa gắn với ý nghĩa kinh tế từ nguồn lực kiều hối mà kiều bào mang trực tiếp về. Đây cũng là nguồn lực không nhỏ mỗi khi dịp Tết đến xuân về.
Rộng hơn, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng, bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, đảm bảo cung – cầu ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm sức ép tăng tỷ giá của USD. Thế nên các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối.