Sáng ngày 12/1, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị giao ban báo chí Quý 4 năm 2022. Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chủ trì Hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, năm 2022 tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Các chỉ tiêu năm 2022 của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (hoàn thành toàn diện 19/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh). Đặc biệt, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (13,94%), đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng 35 bậc so với năm 2021).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng mạnh khu vực II (tăng 6,14%), đưa tỷ trọng khu vực kinh tế công nghiệp lần đầu tiên cao hơn khu vực kinh tế nông nghiệp (30,23% so với 23,71%).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 19.400 tỷ đồng, tăng 11,94% so với cùng kỳ, vượt 4,3% kế hoạch.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục đà tăng ấn tượng, đạt trên 6 ngàn tỷ đồng, đạt 126,67% dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 31% dự toán Trung ương giao, bằng 1,7 lần số thu ngân sách năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm hơn và có bước phát triển ổn định. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao 19,45% so với năm trước, đạt mức 65,89 triệu/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giảm 1,46%…
Ông Đồng Văn Thanh cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2022 là rất ấn tượng, có ý nghĩa quan trọng, tạo niềm tin và là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành thắng lợi, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh cần nhận diện còn một số hạn chế, khó khăn như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao nhưng trên nền tảng tăng thấp của năm 2021 do đại dịch Covid 19, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chững lại, quí 4 tăng thấp hơn 9 tháng đầu năm (9 tháng tăng 14,74%, cả năm còn 13,94%); cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể còn hạn hẹp. Giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho nông nghiệp tăng cao. Thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững.
Tổng giá trị vốn đầu tư toàn xã hội vẫn thấp, chưa có tăng trưởng đột phá; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn xếp thứ hạng thấp, đứng thứ 9 trong khu vực và 38 cả nước.
Bên cạnh đó, một số nghị quyết, đề án, chính sách triển khai chưa đạt mục tiêu, công tác hiện thực hoá các dự án cam kết đầu tư còn chậm, chưa đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế, xã hội, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Thanh chỉ ra 2 điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược tỉnh cần kiên quyết, kiên trì tháo gỡ.
“Đây là những vấn đề lớn cần có sự nhìn nhận và đánh giá toàn diện, đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả”, ông Thanh nhấn mạnh.