UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức chủ động và thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp.
Theo sát tình hình tại các doanh nghiệp có số lượng lao động giảm lớn, tổ chức các tổ công tác làm việc với doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời. Kết nối người lao động bị sắp xếp giảm lao động đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên cùng địa bàn để duy trì việc làm cho người lao động.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình lao động, sản xuất, nhất là các vấn đề liên quan đến lương, thưởng Tết, lưu ý đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, doanh nghiệp có từ 50 công nhân trở lên, doanh nghiệp có nguy cơ ngừng việc, nghỉ việc, các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Có biện pháp tiếp cận, hỗ trợ, tham vấn cho các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động. Công khai số điện thoại (đường dây nóng) hoặc các phương tiện thông tin khác để sớm tiếp nhận, kiểm tra thông tin để tiếp cận, hỗ trợ, giải quyết.
Xây dựng kế hoạch tổ chức thăm hỏi, động viên các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhất là đối với người lao động mất việc làm ở các nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện về quê mà phải ở lại thành phố đón Tết.
Giữ ổn định tình hình lao động. Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức theo dõi sát tình hình và phương án giảm lao động tại các doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn, xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động.
Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật lao động, đảm bảo ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt các địa bàn có doanh nghiệp sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động gặp gỡ phỏng vấn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động thành phố, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Khi có tranh chấp lao động, đình công phát sinh cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng. Không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.