“Suýt” bị hủy niêm yết bắt buộc
Cách đây 1 năm, tháng 2/2022, VC9 thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó có Tờ trình số 57 ngày 21/2/2022 có nội dung đề nghị Đại hội đồng cổ đông cho phép điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo ý kiến kiểm toán. Theo đó, HĐQT VC9 cho biết, đã cho rà soát lại và phối hợp với đơn vị kiểm toán AASC để thống nhất số liệu. Kết quả là giá vốn hàng bán năm 2019 bị ghi nhận thiếu 59,45 tỷ đồng, giá vốn hàng bán năm 2020 bị ghi nhận thiếu xấp xỉ 86 tỷ đồng.
Việc hồi tố giá vốn hàng bán tăng vọt và trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi vào chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến kết quả kinh doanh năm 2019, 2020 của VC9 phải điều chỉnh theo. Cụ thể, năm 2019, VC9 đang lãi 910 triệu đồng, thì sau điều chỉnh đã lỗ ròng gần 59 tỷ đồng. Năm 2020, VC9 ghi nhận lỗ ròng từ 21 tỷ đồng (trước hồi tố) lên 107 tỷ đồng (sau hồi tố).
Do ghi nhận lỗ lớn trong 2 năm 2019 và 2020, lỗ lũy kế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 là 165,6 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu (120 tỷ đồng), rơi vào trường hợp phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Sau khi phát hiện ra vấn đề này, ngày 2/3/2022, VC9 đã ban hành Tờ trình số 58 sửa đổi Tờ trình số 57 công bố trước đó. Theo đó, VC9 sẽ sử dụng bút toán chuyển phần thặng dư vốn cổ phần (34,8 tỷ đồng) và quỹ đầu tư phát triển (21,8 tỷ đồng) sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, qua đó giúp phần lỗ luỹ kế giảm xuống còn 107 tỷ đồng. Động thái kịp thời này đã giúp VC9 “thoát án” hủy niêm yết bắt buộc do phần lỗ luỹ kế chưa vượt vốn góp của chủ sở hữu là 120 tỷ đồng.
Các đề xuất theo Tờ trình số 58 đã được Đại hội đồng cổ đông của VC9 thông qua sau đó.
Cần nhắc lại, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo VC9 đã khẳng định, Công ty đang phải giải quyết các tồn đọng về tài chính và tái cấu trúc.
VC9 từng là công ty con thuộc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Mối quan hệ mẹ – con giữa Vinaconex và VC9 kết thúc vào cuối năm 2017 và tới tháng 11/2021, hai bên chính thức ‘dứt tình’ sau khi Vinaconex thoái toàn bộ 4,32 triệu cổ phần VC9 còn lại.
Cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại VC9 hiện nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG sở hữu 53,1% vốn điều lệ. Đây cũng là doanh nghiệp đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại một doanh nghiệp niêm yết khác là Tasco (mã HUT). Công ty này được cho là có nhiều liên quan đến DNP Holding của Chủ tịch DNP Holding và Tasco Vũ Đình Độ.
Hoạt động kinh doanh chưa thật sự khởi sắc
Với sự tham gia của nhóm cổ đông mới dày dạn kinh nghiệm cùng quyết tâm giải quyết các tồn đọng về tài chính, tưởng chừng sức khỏe tài chính của VC9 sẽ có nhiều biến chuyển, nhưng báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa được doanh nghiệp này công bố cho thấy, VC9 vẫn còn không ít khó khăn.
Cụ thể, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của VC9 đạt 394 tỷ đồng, tăng 88% so với năm ngoái, nhưng giá vốn hàng bán có tốc độ tăng nhanh hơn khiến lãi gộp đạt 20,4 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2021. Dù doanh thu tài chính tăng, chi phí lãi vay giảm, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 71% dẫn tới lỗ thuần cả năm hơn 22 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ thuần 465 triệu đồng.
Nhờ thu nhập khác từ việc thanh lý tài sản cố định xấp xỉ 50 tỷ đồng, nên sau khi trừ đi chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, VC9 lãi ròng vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra cho năm 2022 là doanh thu 689 tỷ đồng, lãi ròng 8,9 tỷ đồng, thì kết quả thực hiện của VC9 trong năm qua còn cách khá xa.
Tại ngày 31/12/2022, giá trị tổng tài sản của VC9 không có nhiều biến động so với hồi đầu năm. Điểm tích cực là VC9 đã tái cơ cấu các khoản vay và nợ thuê tài chính. Theo đó, vay ngắn hạn giảm 27% xuống còn 283 tỷ đồng; vay dài hạn hơn 25 tỷ đồng trong khi đầu năm không có vay dài hạn. Đặc biệt, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 220 tỷ đồng cũng chưa thể thực hiện.
Mới đây, ngày 12/1/2023, HĐQT VC9 thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn thêm 100 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm nay. Nếu thành công, VC9 dự kiến đem 40 tỷ đồng đi thanh toán khoản gốc và lãi vay Ngân hàng BIDV Hà Đông. 60 tỷ đồng còn lại được sử dụng thanh toán cho nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng vay nợ, đưa các chỉ số tài chính về ngưỡng an toàn hơn.