Kinh doanh dưới giá vốn hai quý liên tiếp
Trong quý IV/2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 4.203,4 tỷ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 551,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 32,06 tỷ đồng, tức giảm 583,22 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn, điều này dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 367,9 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 120,9 tỷ đồng, tức giảm 488,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 31,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 11,14 tỷ đồng về 23,87 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 60,2%, tương ứng tăng thêm 38,24 tỷ đồng lên 101,77 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 31,3%, tương ứng tăng thêm 21,73 tỷ đồng lên 91,07 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty lý giải lợi nhuận giảm chủ yếu do sản lượng thép bán ra trong quý IV/2022 giảm 37% so với cùng kỳ, điều này dẫn tới doanh thu giảm 32% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong quý III/2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 5.672,05 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 219,41 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 128,85 tỷ đồng, tức giảm 348,26 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.
Điểm đáng lưu ý, quý III và quý IV/2022 là hai quý lỗ liên tiếp sau 10 quý có lãi trước đó. Được biết, quý lỗ gần nhất là quý IV/2019, Công ty ghi nhận lỗ 5,77 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty vừa trải qua hai quý kinh doanh dưới giá vốn liên tiếp.
Lỗ 644,83 tỷ đồng và không hoàn thành kế hoạch năm 2022
Luỹ kế trong năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 23.152 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 644,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 901,05 tỷ đồng, tức giảm thêm 1.545,88 tỷ đồng.
Năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC đặt mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 67% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 với việc ghi nhận lỗ 644,83 tỷ đồng, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch và cách rất xa kế hoạch lãi 300 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Đầu tư Thương mại SMC giảm 7,4% so với đầu năm về 8.338,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.954,6 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.573,1 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.500,6 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.218,9 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, biến động lớn nhất chủ yếu tồn kho giảm 38,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 971,4 tỷ đồng về 1.573,1 tỷ đồng và chiếm 18,9% tổng tài sản (đầu năm chiếm 28,3% tổng tài sản).
Cơ cấu tồn kho của SMC tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong cơ cấu tồn kho, chủ yếu 531,4 tỷ đồng hàng hoá; 527,6 tỷ đồng thành phẩm; 510,8 tỷ đồng nguyên vật liệu…
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm nhẹ 0,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 29,4 tỷ đồng về 3.575,7 tỷ đồng và chiếm 42,9% tổng nguồn vốn.
SMC đang có dư nợ hai lô trái phiếu tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh đang có dư nợ hai lô trái phiếu. Trong đó, đáng chú ý lô trái phiếu mã SMCH2124001, mệnh giá 200 tỷ đồng, lãi suất 8,2%/năm, đáo hạn ngày 2/8/2024 và tài sản đảm bảo gồm 9,1 triệu cổ phiếu NKG.
SMC đặt kế hoạch lãi 150 tỷ đồng trong năm 2023
Bước sang năm 2023, Đầu tư Thương mại SMC đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng.
Với việc ghi nhận lỗ 644,83 tỷ đồng trong năm 2022, kế hoạch năm 2023 có tham vọng có lãi trở lại. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2022 (lãi 300 tỷ đồng), kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm một nửa so với kế hoạch năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/2, cổ phiếu SMC giảm 300 đồng về còn 10.100 đồng/cổ phiếu.