Ghi nhận lỗ 2,78 tỷ đồng trong quý IV/2022
Trong quý IV/2022, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận doanh thu đạt 740,52 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 2,78 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 97 tỷ đồng, tức giảm 99,78 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 44,4% về còn 40%.
Được biết, quý lỗ gần nhất của Tập đoàn Thiên Long là quý I/2020, với giá trị lỗ 19,93 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trải qua 10 quý có lãi liên tiếp, Công ty quay trở lại lỗ trong quý cuối năm 2022.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 15,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 54,22 tỷ đồng về 296,27 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 152,2%, tương ứng tăng thêm 15,17 tỷ đồng lên 25,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 658,8%, tương ứng tăng thêm 16,47 tỷ đồng lên 18,97 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 2,5 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 35,2%, tương ứng tăng thêm 80,22 tỷ đồng lên 308,41 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý IV, Công ty đã ghi nhận lỗ, chủ yếu lợi nhuận gộp giảm, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Công ty cho biết doanh thu quý IV/2022 giảm so với cùng kỳ là do thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, tỷ giá nội tệ của các nước biến động mạnh so với đồng Đô la Mỹ nên việc nhập hàng có phần chững lại. Trong khi đó, quý IV/2021 là giai đoạn bùng nổ về doanh thu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu mở cửa hoạt động trở lại sau giãn cách vì Covid-19.
Thêm nữa, Công ty cũng cho biết chi phí trong quý IV/2022 tăng là do công ty đầu tư gia tăng hình ảnh thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh trong nước, tăng cường các chương trình hỗ trợ bán hàng các điểm bán trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Luỹ kế trong năm 2022, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận doanh thu đạt 3.520,86 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 400,94 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Thiên Long đặt kế hoạch doanh thu tăng 21,8% so với cùng kỳ lên 3.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 1,2% lên 280 tỷ đồng. Được biết, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định kịch bản học sinh đi học ổn định, thị trường hồi phục và trở lại bình thường.
Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận đạt 400,94 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 143,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tài sản tăng chủ yếu tăng tích trữ tồn kho trong năm 2022
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Long tăng 17,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 422,9 tỷ đồng, lên 2.869 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 914,1 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 765,1 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 478,3 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 370,1 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho tăng 31,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 221 tỷ đồng, lên 914,1 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 7,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 28,2 tỷ đồng, về 370,1 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 21,7 tỷ đồng, lên 765,1 tỷ đồng.
Cơ cấu tồn kho của Tập đoàn Thiên Long tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty thuyết minh cơ cấu tồn kho chủ yếu 347,6 tỷ đồng nguyên vật liệu; 278,6 tỷ đồng thành phẩm; 175,4 tỷ đồng hàng hoá; 67,5 tỷ đồng bán thành phẩm; 52,3 tỷ đồng hàn mua đang đi trên đường .. Trong đó, đáng chú ý đầu năm trích lập dự phòng tồn kho 11,1 tỷ đồng thì cuối năm đã tăng trích lập lên 16,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 33,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 61,5 tỷ đồng, lên 246,5 tỷ đồng và chiếm 8,6% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu TLG tăng 700 đồng lên 52.700 đồng/cổ phiếu.