Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%.
Cụ thể, hoạt động chính của ngân hàng mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Mảng hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ và 1.062 tỷ đồng lãi, tăng lần lượt 20% và 44%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến 501% lên 2.745 tỷ đồng.
Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của Ngân hàng.
Chi phí hoạt động trong năm qua của Sacombank tăng khoảng 12%, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tăng 149% (tương đương mức trích dự phòng 3.288 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%. Đồng thời, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
Trước đó, Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng chất lượng tài sản lúc đó xuống dốc mạnh. Tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt và năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận kết quả khả quan khi triển khai Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập.
Lũy kế 5 năm qua (2017 – 2021), Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm cuối năm 2016.
Nhà băng này cũng đã trích 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án đến cuối năm 2021, từ đó mức lũy kế tăng lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của Đề án.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, Đề án cho phép Sacombank tái cấu trúc trong 10 năm, nhưng chỉ sau hơn 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa. Đó là nỗ lực rất lớn của ban điều hành Sacombank cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ.
Với tốc độ này, dự kiến năm 2023, Ngân hàng sẽ hoàn thành tái cấu trúc.