Sau phiên tăng mạnh hôm qua, VN-Index tiếp tục đi lên, xác lập chuỗi tăng đã kéo dài trong 6 phiên gần đây.
Chỉ số sàn HoSE giữa phiên chiều có lúc đã tăng lên 1.099,78 điểm, tiệm cận rất gần mốc 1.100. Cả ba chỉ số đều duy trì sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch. VN-Index đóng cửa ở mức 1.098,78 điểm, tăng 0,92% so với phiên hôm qua. HNX-Index tăng 1,2% lên 217,7 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 0,78% lên 73,54 điểm.
Sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. Toàn sàn có 504 mã tăng, 67 mã tăng trần, trong khi chỉ có 203 mã giảm và 14 mã giảm sàn. Riêng nhóm VN30, chỉ có 2/30 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ là VRE và BVH. VN30-Index tăng 1,09%. Với quy mô vốn hóa lớn, đây cũng là động lực chính nâng đỡ thị trường chung.
HNX-Index tăng mạnh nhờ sức bật của cổ phiếu bất động sản. Trong đó, cổ phiếu CEO, L14, IDJ tăng kịch biên độ. THD tăng 0,98% và cũng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến HNX-Index.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu Vingroup và Vinhome cũng nằm trong top 5 cổ phiếu kéo chỉ số chung tăng điểm. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Vincom Retail (VRE) lại là cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index. Nhóm bán lẻ, thủy sản, dệt may cũng giao dịch tích cực. Nhiều cổ phiếu dòng thủy sản tăng 2-4%, như IDI, FMC, CMX, ACL. Cổ phiếu bán lẻ như MWG, PET, DGW, FRT tăng mạnh.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá phân hóa. VCSC mới đây công bố kết quả kinh doanh giảm sâu, chỉ tương đương 6% quý IV/2021. Giá cổ phiếu VCI cũng giảm 0,67% trong phiên sau thông tin tiêu cực trên. Trong nhóm chứng khoán, SHS giảm sâu nhất (trên 1%).
Trong khi đó, dòng thép sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua lại điều chỉnh hoặc đi ngang khi áp lực chốt lời tăng lên. HPG có thời điểm ở mức dưới tham chiếu nhưng kết phiên vẫn tăng nhẹ 0,2% lên 21.700 đồng/cổ phiếu.
Mốc 1.100 điểm đã tới rất gần. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn đi ngang. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 11.944 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tập trung nhiều nhất ở sàn HoSE, đạt 10.237 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. HPG là cổ phiếu hút dòng tiền giao dịch lớn nhất với thanh khoản đạt 563 tỷ đồng. Nhóm tài chính cũng thu hút giao dịch như VND (426 tỷ đồng), SSI (400 tỷ đồng), VPB (386 tỷ đồng), VCI (289 tỷ đồng)…
Nhóm chứng khoán cũng là cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua mạnh cổ phiếu SSI (108 tỷ đồng), VND (85 tỷ đồng), Ngoài ra, VIC và MSN đều được mua trên 50 tỷ đồng. Nếu không kể các giao dịch đột biến liên quan đến hoạt động thoái vốn của khối ngoại tại cổ phiếu Eximbank, chuỗi mua ròng của nhóm nhà đầu tư này đã duy trì từ giữa tháng 11 đến nay.