Tuy nhiên, việc ngâm rượu với đủ loại nguyên liệu từ côn trùng, sâu bọ, động vật cho đến các loại rễ cây, củ quả đã khiến không ít người… rước họa vào thân.
Tự ngâm rượu thuốc để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe đang trở thành trào lưu từ thành thị tới nông thôn. |
Các bác sĩ cho biết, việc tự ý sử dụng các loại rượu ngâm rất nguy hiểm, các loại thảo dược chỉ phù hợp với các đối tượng sử dụng nhất định. Vậy nên nếu không biết cách chế biến và sử dụng hợp lý thì rượu ngâm sẽ trở thành rượu độc.
Dịp Tết vừa qua, các bệnh viện trên cả nước không chỉ ghi nhận những trường hợp ngộ độc rượu pha cồn methanol, các loại rượu không rõ nguồn gốc mà các cơ sở y tế còn tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc các loại rượu ngâm rễ cây, củ quả…
Ngày mùng 5 Tết, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (Lào Cai) chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng người tím tái, chảy máu mũi và ho ra máu. Qua khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Theo lời kể của người nhà, từ 27 Tết đến nay, bệnh nhân uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau. Bệnh nhân thường xuyên ho ra máu, tím tái chân tay.
Gia đình đưa bệnh nhân đi khám gần nhà được kết luận bị viêm mũi dị ứng nên người nhà mua thuốc chống dị ứng và bổ não cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình hình vẫn không thuyên giảm nên được đưa vào nhập viện.
Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ phải làm xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện ngộ độc rượu. Trường hợp này, kết quả xét nghiệm cho thấy bị nhiễm độc nặng nhất là độc từ loại rượu thuốc hay dùng xoa bóp, dễ gây ra suy tim, tổn thương não, có thể tử vong. Thứ 2, bệnh nhân có thể ngộ độc rượu ngâm các loại lá gây chảy máu, suy thận.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với rượu thông thường tinh khiết không ngâm, người khỏe mạnh khi uống quá nhiều cũng có thể nguy kịch sức khỏe.
“Nhẹ thì người uống đau bụng nôn, xuất huyết tiêu hóa, nặng thì hôn mê, suy hô hấp tím tái. Nếu uống nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến xơ gan, viêm tụy… Người bệnh cũng rất dễ bị rối loạn kèm theo như xơ gan không bù trừ, rối loạn chuyển hóa, nhiều rối loạn khác…”, TS. Nguyên nói.
Được biết theo chuyên gia, trong y học cổ truyền, hiện có hơn 100 các loại rượu thuốc ngâm khác nhau với các công dụng như là chữa đau nhức xương khớp, hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực nam giới…
Đặc điểm của rượu thuốc là sử dụng như các loại thuốc và được tích lũy dần vào cơ thể. Thuốc ngấm cùng với sự kích thích của rượu sẽ có tác dụng hiệu quả rất tốt.
Điều đáng nói, trên thực tế rất nhiều người bệnh sau khi sử dụng rượu thuốc thấy mang lại hiệu quả lại thản nhiên mang các loại rượu ngâm để mời người khác sử dụng.
Chuyên gia khuyến cáo, thảo dược cũng là thuốc, trong các loại thảo dược sẽ có các hoạt chất khác nhau và có các loại độc tính nhất định mà người sử dụng không nắm rõ. Vậy nên, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ đông y.
Nếu người dân vẫn tự ý ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà như hiện nay thì tình trạng ngộ độc sẽ rất dễ xảy ra và gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Để an toàn khi sử dụng rượu ngâm, người dùng cần phải chú ý một số nguyên tắc. Cụ thể, khi ngâm rượu, mọi người phải sử dụng các loại rượu ngâm từ gạo, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) vì việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy hại cho gan, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các nguyên liệu dùng để ngâm rượu từ động vật, thực vật, các loại thảo dược… phải do các bác sĩ đông y kê đơn và chỉ định, tuyệt đối không tự ý sử dụng rượu ngâm.