Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Ảnh: Nhật Bắc |
Phương án trắc dọc mới
UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 05/TTr- UBND gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 – Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án thành phần 3).
Tại Tờ trình số 05, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 để làm cơ sở triển khai tiếp theo.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án thành phần 3 chính là “ngôi sao” trong số 7 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Công trình do UBND TP. Hà Nội là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được triển khai theo hình thức PPP, trong đó những tham số tài chính được cụ thể hóa chính xác trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 sau khi được phê duyệt là cơ sở để UBND TP. Hà Nội tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Được biết, tham số tài chính đầu tiên được xác định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 chính là tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn thực hiện.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.
Tổng chiều dài Dự án khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với chiều rộng từ 90 đến 135 m; thực hiện đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/h với chiều rộng 17 m với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh và các lối ra vào đường cao tốc đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên rộng 12 m.
Cụ thể, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 được đề cập tại Tờ trình số 05 là 56.520 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trong đó, vốn nhà nước tham gia là 26.730 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 18.313 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 8.417 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3.
Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đã thể hiện sơ bộ phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án thành phần 3 cho việc đầu tư các công trình trọng yếu trên địa bàn cả 3 địa phương gồm: cầu Hồng Hà, đoạn tuyến Quốc lộ 6 đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (gồm cầu Mễ Sở), cầu Hoài Thượng, tuyến nối trên địa phận Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đây là chi phí dự kiến để xây dựng Dự án thành phần 3, giai đoạn I (Hà Nội – 57,95 km, Hưng Yên – 19,31 km, Bắc Ninh – 26,56 km và tuyến nối 9,7 km). Trong giai đoạn I, mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo quy mô 4 làn xe (mặt cắt ngang đường rộng 17 m, bề rộng cầu 17,5 m; các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống bề rộng mặt cầu 24,5 m) và 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
Để đảm bảo phát triển đồng bộ, lâu dài giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị cũng như giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, tạo không gian phát triển mới, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị các địa phương, UBND TP. Hà Nội kiến nghị lựa chọn phương án trắc dọc đi cao khoảng 62% chiều dài Dự án. Một số đoạn tuyến với chiều dài khoảng 42,64 km, trong đó Hà Nội là 14,78 km, Hưng Yên là 8,85 km, Bắc Ninh 19,01 km có nhu cầu liên kết ngang thấp, không quy hoạch tập trung đô thị, công nghiệp, UBND TP. Hà Nội chọn giải pháp thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
“Đối với các đoạn tuyến đi trên cao, cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự kiến chiều cao cầu cạn là 7,5 m để đảm bảo kiến trúc, mỹ quan công trình và đủ điều kiện để có thể khai thác sử dụng phần gầm cầu phục vụ giao thông đô thị”, Tờ trình số 05 nêu rõ.
Rõ hình thức chọn nhà đầu tư
Liên quan đến lãi suất vốn vay – tham số tài chính được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, Tờ trình số 05 cho biết, ngày 21/12/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 4297/UBND-KTTH đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV và VietinBank cung cấp thông tin về mức lãi suất theo khoản 2, Điều 14, Thông tư 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm UBND TP. Hà Nội gửi Tờ trình số 05 (ngày 19/1/2023), cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án thành phần 3 vẫn chưa nhận được trả lời chính thức từ các ngân hàng.
Để đảm bảo tiến độ việc trình, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị tư vấn đã rà soát lãi suất vốn vay với 2 kịch bản: lãi suất 10,17%/năm (xác định tại thời điểm tháng 10/2020) và ước tính mức lãi vay thời điểm tháng 12/2022 là 11,2%/năm. Mức lãi suất phần vốn vay ở thời điểm hiện tại sẽ được đơn vị tư vấn cập nhật khi có trả lời chính thức từ các ngân hàng thương mại.
Về mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, UBND TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Thông tư 22/2022/TT-BGTVT ngày 31/8/2022 của Bộ GTVT, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu có tính đến yếu tố rủi ro và lạm phát được xác định là 13,38%/năm (trên cơ sở lãi vay huy động vốn đầu tư bình quân thu thập tháng 10/2022 là 10,17%/năm và tỷ lệ lạm phát trung bình giai đoạn 2012-2021 là 3,21%/năm).
Trên cơ sở đó, tư vấn đã rà soát mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư với 2 kịch bản. Tại kịch bản thứ nhất, mức lợi nhuận của nhà đầu tư là 11,77%/năm trên cơ sở tham khảo các dự án tương tự và chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15; Kịch bản thứ hai, mức lợi nhuận của nhà đầu tư được ấn định là 13,3%/năm trên cơ sở kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư tính đến thời điểm hiện tại do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội thực hiện.
Tính khả thi của dự án về mặt tài chính cũng được đánh giá theo 3 phương án chi phí sử dụng vốn.
Cụ thể, phương án 1 – mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 10,17%/năm, tương tự bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được phê duyệt. Phương án 2 – mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 11,2%/năm. Phương án 3 – mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 13,3%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 11,2%/năm.
Theo phương án 1 thì nguồn thu của Dự án thành phần 3 đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư BOT trong khoảng 22 năm, 11 tháng khai thác, tương ứng với chi phí sử dụng vốn.
Với phương án 2, với mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu và lãi suất phần vốn vay thì nguồn thu từ thu phí đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư là khoảng 29 năm khai thác. Theo phương án 3 thì thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư là khoảng 31 năm khai thác.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với phương án 2 và phương án 3, tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) của dự án vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt trong chủ trương đầu tư của dự án. Mặt khác, với thời gian thu phí dài sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia dự án. Do vậy, UBND TP. Hà Nội kiến nghị phương án 1 để báo cáo các cơ quan liên quan xem xét quyết định.
Nếu chọn phương án 1, thì 4 chỉ tiêu tài chính xem xét dự án có kết quả khá tích cực, trong đó giá trị hiện tại ròng (NPV) 47,11 tỷ đồng (>0); tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR) là 10,47%; tỷ suất lợi ích – chi phí (B/C) của dự án là 1,001 (>1); tỷ suất chiết khấu của dự án là 10,43%; thời gian thu phí là 22 năm, 11 tháng.
“Kết quả tính toán, phân tích hiệu quả tài chính cho thấy Dự án thành phần 3 theo phương thức PPP đảm bảo hiệu quả tài chính”, Tờ trình số 05 nêu rõ.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phát đi thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3.
Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm (9h ngày 11/12/2022), chỉ có 1 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quan tâm. Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ – CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 là đấu thầu rộng rãi trong nước, không thực hiện sơ tuyển.
“Đây là điều khá bất ngờ, bởi trước đó Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 từng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước như Him Lam, Vingroup…”, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận xét.