Gửi ngân hàng nào được lãi suất cao?
Lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại ổn định ở mức cao. Những kỳ hạn gửi dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm, trên 6 tháng có sự cạnh tranh khác biệt giữa từng nhà băng. DongABank nhận lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất 9,35%/năm, 12 tháng lãi suất 9,5%/năm.
Saigonbank kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất 9,2%/năm, 12 tháng 9,4%/năm, còn 13 – 18 tháng là 9,5%/năm, từ 24 tháng trở đi chỉ còn 9,3%/năm; Techcombank huy động tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng 9%/năm, từ 12 tháng trở đi là 9,2%/năm… Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank có mức lãi suất huy động cao nhất là 7,4%/năm từ 12 tháng trở lên.
Đối với kỳ hạn tiền gửi dài ngày, một số ngân hàng có điều chỉnh giảm nhẹ từ 0,1-1%/năm sau tết Nguyên Đán như tại Techcombank, mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm. Trong khi trước tết, con số này là 9,5%/năm.
Sacombank hiện lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng. Tại PVCombank cũng giảm từ 9,9%/năm xuống 9,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng… Tuy có giảm, song nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn ở mức tối đa 9,5%/năm theo như cam kết của các thành viên với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Thậm chí, nếu cộng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi mà ngân hàng “tung” ra để thu hút khách hàng tiền gửi đầu năm, thì lãi suất còn cao hơn. Đó là chưa kể, thị trường vẫn tồn tại tình trạng một số nhà băng còn thỏa thuận “ngầm” về lãi suất tiết kiệm với khách hàng có số lượng tiền gửi lớn khi cộng thêm biên độ 0,5-1,5%/năm.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra nhận định, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu khống chế lãi suất huy động dưới 9,5%/năm, song đây vẫn là một con số cao so với mọi năm. Dòng tiền vẫn đang và sẽ tìm đến tiết kiệm.
Tính đến cuối tháng 12/2022 so với đầu năm, tổng tiền gửi toàn hệ thống tăng 6%. Nhưng dữ liệu tiền gửi dân cư do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tiền gửi tăng thêm 84.597 tỷ đồng chỉ trong tháng 11 năm 2022. Đây là tháng có tốc độ tăng khá nhanh khi mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm trên thị trường lên cao.
Lượng tiền gửi của khu vực dân cư trong tháng 11/2022 tăng 8,38%, đạt hơn 5,744 triệu tỷ đồng. Chỉ trong tháng 11, lượng tiền gửi của người dân tăng thêm 84.597 tỷ đồng, nâng mức tăng so với cuối năm 2021 lên 444.114 tỷ đồng. Đây là tháng có mức tiền gửi dân cư tăng nhanh trong năm 2022.
Người dân có xu hướng gửi tiết kiệm vào những tháng cuối năm 2022 khi lãi suất huy động của các ngân hàng gia tăng mạnh mẽ. Đối với những kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tăng lên mức kịch trần 6%/năm, từ 6 tháng trở lên nhiều nhà băng tăng 10 – 12%/năm vào tháng 11 đến giữa tháng 12. Đến giữa tháng 12/2022, các ngân hàng đồng thuận lãi suất huy động tiết kiệm ở mức tối đa 9,5%/năm nên cuộc đua huy động vốn bằng lãi suất của các nhà băng tạm lắng dịu.
Tốc độ tăng tiền gửi của khu vực dân cư trong năm 2022 nhanh hơn nhiều so tiền gửi các tổ chức kinh tế. Vào cuối năm 2021, tốc độ tăng tiền gửi tổ chức kinh tế lên đến 15,73%, đạt 5,645 triệu tỷ đồng, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,08%, đạt 5,3 triệu tỷ đồng.
Thế nhưng đến nay, chiều hướng đã ngược lại, các tổ chức kinh tế gửi tiền chỉ tăng có 2,9% so với cuối năm 2021, đạt 5,808 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 163.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi dân cư tăng gấp đôi. Lượng tiền gửi của dân cư hiện tăng gần bằng so với tổ chức kinh tế. Bởi lãi suất tiết kiệm tăng, trong khi doanh nghiệp ngại vay vốn ngân hàng do áp lực lãi vay đi lên.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9% đến 10%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11,5%/năm trong quý cuối năm 2022. Theo các chuyên gia, trong ngắn và trung hạn, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng nên số dư tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt.
Quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Dù vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Trên cơ sở đó, các dự báo được đưa ra, mặt bằng lãi suất huy động đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 – 1,5 điểm phần trăm và giảm dần từ quý III/2023.
Đánh giá về thực tế này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings cho rằng, ở góc độ người dân lựa chọn kênh đầu tư so với tiết kiệm, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì cao người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư.
Vì vậy, với nhiều người nếu có tiền nhàn rỗi thì kênh tiết kiệm vẫn an toàn nhất. Hơn nữa, lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao nên là khá ổn. Nhưng nếu xét trong dài hạn cho cả năm 2023 thì có thể các kênh đầu tư khác sẽ hồi phục từ mức thấp thì khi đó tỷ suất sinh lời có thể cao hơn tiền lãi tiết kiệm.
Áp lực cho người cần vốn
Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10/2022 lên khoảng 9 – 10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14 – 15% đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm qua.
SSI cũng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023. Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi về trái phiếu, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, SSI cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc thì lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023. Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động có khả năng thu hẹp so với năm 2022, lần lượt ở mức 12 – 14% và 10 – 12%.
Thế nhưng, qua khảo sát của phóng viên tại 35 ngân hàng trong ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão 2023, có 30 nhà băng niêm yết mức lãi suất cao nhất trên 9%/năm. Trong đó, chỉ còn 5 ngân hàng ghi nhận con số này trên 9,5%.
Giới phân tích tài chính cho rằng, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9-10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi cách đơn giản nhất là người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư.
Vả lại, giới phân tích cũng đưa ra nhận định, một khi chi phí đầu vào còn tăng thì hoạt động cho vay gặp khó, do doanh nghiệp không thể sử dụng vốn vay khi lãi suất tăng cao. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ưu tiên hiện dao động 10-13%/năm. Thậm chí cao hơn mức này, nhưng cũng không dễ tiếp cận vốn. Còn với khách hàng cá nhân, nhất là với cho vay mua nhà lãi vay lên 14-16%/năm.
Đó cũng là lý do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023…
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.
Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.